Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi tới Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam văn bản góp ý kiến cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó có hệ thống giáo dục quốc dân, phân luồng sau cấp THCS.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, phân luồng sau THCS là kỳ vọng của Đảng và toàn dân. Tuy nhiên, tại Điều 5 về hệ thống giáo dục quốc dân không chỉ ra các luồng sau THCS để học sinh hướng theo.
Mặt khác, dự thảo cũng chỉ lấy phần giữa của giáo dục nghề nghiệp để đại diện chung cho giáo dục nghề nghiệp; loại bỏ trình độ cao đẳng ra khỏi bậc đại học.
Hệ thống giáo dục quốc dân cấu trúc như vậy là xa rời thực tiễn, không đáp ứng xu thế nhân lực của đất nước và không hội nhập quốc tế, không phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận, biểu quyết riêng ở Quốc hội.
Cần quy định ngay định hướng nghề nghiệp cuối cấp THCS
Góp ý vào quy định định hướng nghề nghiệp, ông Đặng Bá Lãm, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm, hướng nghiệp là trách nhiệm của hệ thống giáo dục.
Còn chọn luồng giáo dục là quyền của người học, dựa trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc về phân luồng.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, cần quy định ngay việc cần thiết phải định hướng nghề nghiệp cuối cấp THCS. Ngoài ra, các trường THCS cần thực hiện tốt việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh vào năm cuối cấp.
Về quy định hướng nghiệp, phân luồng giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật Giáo dục sửa đổi.
Theo đó, hướng nghiệp trong giáo dục phải là hệ thống các biện pháp trong và ngoài nhà trường, giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp và có khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học hoặc trình độ cao hơn, học trung cấp, học nghề hoặc lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội; góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.
Bình luận