Liên quan đến thông tin Bộ GTVT lấy ý kiến về dự thảo đổi tên các trạm thu phí đường bộ thành “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ”, nhiều độc giả đồng loạt lên tiếng phản đối.
Theo bạn đọc Tien Vu, mỗi lần thay đổi vài chữ trong một điều luật, thông tư nào đó thì thủ tục, họp hành đã tốn kém khá nhiều ngân sách của Nhà nước. Trong khi đó, việc sử dụng từ “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” bản chất vẫn là việc các doanh nghiệp thu tiền của những người sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức BOT.
“Lâu nay vẫn thu tiền chứ có thu gì khác đâu. Tại sao nhất định phải đổi tên thành trạm thu giá hay trạm thu tiền mà không chịu giữ như từ trước đến nay?”, Tien Vu chia sẻ.
Trong khi đó, bạn đọc Bùi Tá Minh Vương phân tích: “Sao lại là trạm thu tiền? Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ.
Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Kinh doanh mua bán thì ta nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Tên gọi trạm thu phí như hiện tại là đúng rồi, sao phải tốn công, tốn sức với tên gọi này?
Độc giả Da Nang
Có nhiều khoản phải thu, để rạch ròi cho từng khoản thu và dễ nhận biết nên người ta mới đặt tên gọi khác nhau, chứ không thể gọi chung chung là thu tiền được. BOT là tổ chức cung cấp dịch vụ thì ta phải trả phí".
“Phí là chi phí phải trả khi chúng ta sử dụng dịch vụ nào đó, trong đó có sử dụng một đoạn đường, một con đường hay một cây cầu. Tên gọi trạm thu phí như hiện tại là đúng rồi, sao phải tốn công, tốn sức với tên gọi này?”, độc giả Da Nang bức xúc.
Bên cạnh đó, bạn đọc Nguyễn Tiến Tường cho rằng, mục đích cuối cùng của việc nhiều lần “đòi” đổi tên các trạm thu phí BOT của Bộ GTVT là muốn tránh chữ “phí”.
“Khi gọi là trạm thu phí, thì các BOT phải hoạt động theo luật phí và lệ phí, có sự can thiệp định khung của Nhà nước, trong đó có cả Bộ GTVT. Nhưng khi gọi là trạm thu giá, nó sẽ hoạt động theo luật giá, trong đó các BOT sẽ được quyền tự chủ cao hơn trong việc thu tiền mà Nhà nước chỉ can thiệp gián tiếp.
Gọi trạm thu tiền thực chất là một xảo thuật để "đánh võng" khái niệm mà mục tiêu có thể là áp dụng luật giá. Nếu không phải thu giá hay thu tiền, BOT buộc phải trở lại thu phí và chịu sự quản lý Nhà nước thông qua luật phí và lệ phí.
Mặt khác, BOT sai vị trí phải được đập bỏ, thu quá thời gian phải điều chỉnh lại. Doanh nghiệp bỏ tiền muốn thu hồi vốn, phải chỉ đích danh lợi ích nhóm đã thoả hiệp”, Nguyễn Tiến Tường nhận định.
Ngoài ra, đa phần ý kiến bạn đọc đều cho rằng Bộ GTVT nên tập trung đến các việc khác như làm sao để giảm thiểu tại nạn giao thông, ùn tắc và vi phạm giao thông, chứ không nên mất quá nhiều thời gian để đổi tên các trạm thu phí.
“Sau khi Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến, các trạm BOT từ trạm thu giá đã đổi lại thành trạm thu phí, từ đó đến nay dư luận không còn ai thắc mắc. Vậy nên mong Bộ GTVT hãy dành thời gian để nghiên cứu cách nào làm giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông là tốt nhất”, bạn đọc La Do chia sẻ.
“Thay vì dành thời gian để suy nghĩ, đặt tên, lấy ý kiến tên gọi các trạm BOT thì nên tập trung vào những vấn đề cấp bách hơn như giải pháp để hạn chế tình trạng kẹt xe trong các dịp lễ, Tết, những tuyến đường nào cần đầu tư mở rộng để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế, trạm BOT đặt như thế nào, thu phí bao nhiêu là hợp lý,…”, bạn đọc Ng.Uyên đồng tình.
Ngày 7/5, Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trước đó, đầu năm 2018, “trạm thu giá” được Bộ GTVT sử dụng để thay cho tên gọi “trạm thu phí”.
Tuy nhiên, sau khi bị nhiều ý kiến phản đối vì cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa, và không cần thiết, Bộ này lại đổi lại thành “trạm thu phí”.
Bình luận