Đây là 1 trong 2 giải pháp đưa ra tại tờ trình. Giải pháp còn lại là giữ như hiện hành cơ quan thuế và cơ quan BHXH thực hiện phối hợp quản lý và thu BHXH theo quy chế phối hợp đã ký giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam.
Hai chính sách hoàn toàn khác nhau
Mục tiêu đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là nhằm “cải cách mạnh mẽ TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng BHXH; cắt giảm và đơn giản hóa TTHC như đơn vị SDLĐ chỉ khai và nộp thuế- BHXH tại một cơ quan; giảm thời gian kê khai thuế - BHXH (thực hiện trên cùng một tờ khai); cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thanh kiểm tra việc nộp thuế và BHXH, minh bạch hoá TTHC và phát triển đối tượng tham gia BHXH”.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 giải pháp. Giải pháp 1 (như hiện hành), đó là cơ quan Thuế và BHXH phối hợp thu BHXH theo quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam).
Giải pháp 2, cơ quan Thuế thực hiện thu các khoản BHXH mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị SDLĐ; song cơ quan Thuế phải nắm vững nghiệp vụ thu BHXH, tổ chức sắp xếp lại bộ máy 2 cơ quan, số lượng lao động điều chuyển sau khi chuyển đổi mô hình.
Phân tích đề xuất trên, PGS-TS.Đinh Trọng Thịnh- Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, về nguyên tắc và mục đích, 2 khoản thu này tương đối khác nhau. Thuế liên quan tới khoản thu nhập của cá nhân và DN phải đóng cho NSNN theo chính sách thuế.
Còn thu BHXH nhằm đảm bảo cho NLĐ đã có thời gian cống hiến trong DN có được một khoản dự phòng và được trả theo tỉ lệ % sau khi đã hoàn thành thời gian lao động ở độ tuổi quy định.
“Đây là khoản NLĐ bỏ ra trước để có một khoản quỹ; từ đó giúp họ có lương hưu, đảm bảo duy trì mức sống ở tuổi già. Một bên thu vào NSNN, còn một bên là thu gom lại, nên 2 khoản thu không đồng nhất, nếu gộp cũng có cái dở”- ông Thịnh phân tích.
Không thể hợp nhất theo kiểu “cơ học”
Cần nhìn nhận rõ nhiều điểm khác biệt trong quản lý thu BHXH, đơn cử: Ngoài thu BHXH bắt buộc, cơ quan BHXH còn phải thu BHYT, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, thu khu vực sự nghiệp công lập; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN… Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính, cơ quan Thuế chỉ quản lý thu BHXH bắt buộc tại DN.
Nếu hợp nhất bộ phận thu BHXH về Thuế, cơ quan BHXH vẫn phải duy trì bộ máy để thu các khoản BHXH khác. Như vậy, cả ngành Thuế và ngành BHXH cùng có “bộ phận thu BHXH”, không những không tiết kiệm chi phí, mà còn gây lãng phí hơn, bộ máy cồng kềnh hơn.
Khi đó, NLĐ, người dân muốn xác nhận BHXH sẽ phải đến 2 cơ quan, gây lãng phí tiền bạc, công sức của họ. Đáng chú ý, cơ quan Thuế ở các nước cũng chỉ thu hộ BHXH, chứ không phải hợp nhất 2 bộ phận của 2 cơ quan lại.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Đa số các quốc gia hiện nay vẫn thực hiện thu BHXH và thuế theo 2 cơ quan riêng biệt.
Đơn cử: Nhật Bản quy định cơ quan BHXH chịu trách nhiệm vận hành Hệ thống Hưu trí quốc gia, quản lý về đối tượng tham gia BHXH, quỹ BHXH, quản lý lịch sử tham gia BHXH của NLĐ, tư vấn các chế độ hưu trí, tính toán và chi trả các chế độ BHXH. Trung Quốc, Hàn Quốc đều giao cơ quan BHXH thu BHXH, chứ không phải giao cho cơ quan Thuế. Do vậy, đề xuất này cần phải cân nhắc.
Bởi, chỉ cơ quan BHXH mới theo dõi được lịch sử tham gia BHXH của NLĐ để giải quyết các chế độ (như chế độ như hưu trí thì phải khoảng sau 30 năm mới thực hiện). “Nếu chuyển thu BHXH sang cơ quan Thuế, sẽ dễ phát sinh những hệ luỵ, thậm chí có thể sau 5 năm đã phải sửa đổi lại”- ông Diệp khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH cho rằng, không nên hợp nhất cơ quan Thuế và BHXH, vì thuế thu cho ngân sách, còn BHXH thu cho NLĐ tích cóp về sau. Nếu hợp nhất, cũng chỉ thu xong rồi chuyển tiền cho BHXH quản lý, như vậy đâu cần hợp nhất, chỉ cần thêm chức năng Thuế thu hộ BHXH.
“Ở một số nước, cơ quan Thuế chỉ đứng ra thu hộ BHXH, không phải hợp nhất khâu thu của 2 cơ quan với nhau, vì chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan khác nhau. Chưa kể, khi hợp nhất cũng chỉ phần BHXH bắt buộc, còn BHXH tự nguyện, BHYT vẫn phải có bộ phận của BHXH thực hiện, như vậy lại phình bộ máy thêm”- bà Hương nhấn mạnh.
Video: Trốn đóng BHXH cho công nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử nặng
Ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khẳng định: “Lâu nay DN luôn có 2 sổ lương; một sổ lương DN kê khai đóng BHXH với tiền rất thấp, chủ yếu tương đương mức lương tối thiểu vùng. Một sổ lương khác DN thực trả cho NLĐ cao hơn rất nhiều, thông qua nhiều loại phụ cấp, hỗ trợ khác nhau.
Do đó, chúng ta phải tiến tới liên thông kết nối thông tin thu thuế và BHXH, để thu BHXH theo tiền lương DN kê khai thuế. Khi đó, DN quyết toán chi phí lao động bao nhiêu sẽ phải đóng BHXH bấy nhiêu, sẽ không còn chuyện 2 sổ lương nữa”.
Từ thực tế thực hiện chính sách BHXH, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chỉ rõ: “Đối tượng của cơ quan Thuế và BHXH khác nhau. Cơ quan Thuế theo dõi đầu mối DN. Còn cơ quan BHXH theo dõi đến từng cá nhân NLĐ, suốt cả cuộc đời cho đến khi chi trả lương hưu và đến lúc chết thì chi trả tiền tuất”.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, thu thuế chỉ có một quy trình; trong khi thu BHXH có từ 8- 9 quy trình như tư vấn, hướng dẫn, lập danh sách, xét duyệt, thẩm định và chi trả chế độ. Như vậy, không thể nào chuyển toàn bộ nhiệm vụ này sang Thuế thu được. “Cải cách là rất tốt, nhưng phải thận trọng, tránh để đưa vào Luật rồi khó thực hiện, lại phải sửa…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.
Bình luận