Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới đây.
Mô hình mới để tạo đột phá cho Thủ đô
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
“Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, vì vậy, UBTVQH đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này”, theo ông Hoàng Thanh Tùng.
Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn những nội dung, lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, ví dụ như chỉ gồm công nghệ mới thuộc một số lĩnh vực nhất định như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội áp dụng đối với TP.HCM do đây là một nội dung mới, cần có bước đi thận trọng.
Tránh áp dụng tràn lan vì dễ sơ hở
Ủng hộ quy định này, nhưng đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng để bảo đảm kiểm soát tốt. Ông cho rằng luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND TP quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: tài chính, ngân hàng; giáo dục; y tế.
Vị đại biểu này cũng băn khoăn khi dự thảo luật chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào. Hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao. Ông đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong dự thảo luật.
Cũng phân tích về nội dung trên, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nói, dự thảo luật quy định về thử nghiệm có kiểm soát không rõ giới hạn.
Đặt vấn đề “có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư... thuộc phạm vi Hiến pháp quy định sẽ xử lý như thế nào”, ông Khải cho rằng quy định có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.
Với quyền của HĐND TP Hà Nội, theo ông Khải, cần quy định điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện. Việc này để tránh áp dụng tuỳ tiện, hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật.
“Cần sửa quy định Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở”, ông Trần Văn Khải nêu ý kiến.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh) thì nhận định phạm vi quy định như dự thảo luật còn tương đối rộng. Ông góp ý có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…
Theo ông Trịnh Xuân An, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm nên cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này.
Cho phép thử nghiệm, song ông Trịnh Xuân An đánh giá phần kiểm soát lại quy định quá chặt, dẫn tới rất khó thử nghiệm. “Như khoản 7 điều 25 thì chắc khó có doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm”, ông An nói.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đề nghị làm rõ hơn quy định liên quan đến việc tạm dùng và đình chỉ thử nghiệm, bởi quyết định này dẫn đến hậu quả pháp lý là đơn vị đề xuất thí điểm phải dừng thực hiện.
“Khi đó tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện khiếu nại đến UBND Thành phố và khởi kiện tại toà án hay không? Toà án xét xử có lấy quy chế do Hà Nội ban hành làm căn cứ hay không, vì nếu cứ căn cứ pháp lý hiện hành thì không hợp lý?”, đại biểu nêu câu hỏi và cho rằng cần thể hiện rõ để đảm bảo minh bạch.
Bình luận