• Zalo

Đề xuất Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng

Tin nóngChủ Nhật, 26/05/2024 10:24:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng.

Nội dung trên được bà Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đề cập khi trình bày tham luận tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024", sáng 26/5.

Bà Phạm Thu Lan cho biết, người lao động dù muốn gắn bó nhưng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động.

"Trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có", bà Lan nhận định.

Bà Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn. (Ảnh: VGP)

Bà Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn. (Ảnh: VGP)

Đại diện Viện Công nhân - Công đoàn nêu thực tế, một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.

Theo bà Lan, tăng năng suất lao động trong chặng đường sắp tới là thách thức, bởi chuyển từ nước thu nhập thấp lên nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều so với từ nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, bà Lan cho rằng, tăng năng suất giai đoạn tới đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò quan trọng.

Từ thành công giai đoạn vừa qua, bà Phạm Thu Lan đề xuất cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người.

Mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai. 

"Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất", đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói.

Đề cập đến vấn đề các doanh nghiệp lo ngại tăng lương sẽ làm giảm việc làm, bà Lan dẫn nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học người Mỹ về tác động của lương tối thiểu tới thất nghiệp trên thế giới trong hơn 30 năm qua chứng minh rằng tăng lương tối thiểu không làm tăng thất nghiệp và không loại bỏ việc làm. Ngược lại, có nơi, tăng lương tối thiểu dẫn tới gia tăng đáng kể việc làm và đóng góp cho chính thức hóa việc làm.

Song song với đó, bà Lan đề xuất thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập. Bà nêu thực tế, phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số và gần một nửa lực lượng lao động, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng cách lương và thu nhập giữa nam và nữ là 10-15% tùy theo ngành và lĩnh vực.

"Tổ chức công đoàn mong muốn các biện pháp cụ thể được thực hiện để không chỉ bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc như nhau, mà quan trọng hơn phải là bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc có giá trị như nhau", bà Lan nói.

Bên cạnh đề xuất liên quan đến tiền lương, bà Lan cũng kiến nghị tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động liên tục tăng trong những năm vừa qua, đến nay đạt hơn 38% lực lượng lao động.

Đại diện tổ chức công đoàn mong muốn mục tiêu độ bao phủ bảo hiểm xã hội đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch đề ra, đáp ứng mong mỏi của người lao động. 

Một vấn đề nữa được bà Phạm Thu Lan đề cập trong bài tham luận là chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện.

"Đề án 1 triệu nhà ở xã hội của Chính phủ là sự quan tâm riêng dành cho công nhân lao động. Mong muốn của người lao động là Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện tích cơ bản khác để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới", bà Lan nói thêm.

Anh Nhật
Bình luận
vtcnews.vn