Đề xuất này được các chuyên gia y tế nêu tại Hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/9.
Tăng thuế thuốc lá để hạn chế tỷ lệ người hút
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù Việt Nam giảm được tỷ lệ hút thuốc thời gian qua, nhưng hiện có dấu hiệu gia tăng nếu không có can thiệp kịp thời.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế thuốc lá là cách để hạn chế tỷ lệ người hút nhưng thuế thuốc lá ở Việt Nam lại rất thấp. Giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, dù Việt Nam đều tăng thuế (năm 2016 và 2019), nhưng giá thuốc lá hầu như tăng không đáng kể. Trong khi, thị trường sản phẩm thuốc lá quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế.
Theo ông Lâm, thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp khác. Đây cũng là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng. Tất nhiên, việc tăng thuế phải trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích của các chủ thể Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhưng cần đặc biệt ưu tiên mục tiêu bảo vệ sức khỏe, phát triển bền vững của đất nước.
Để giảm tỷ lệ tiêu dùng theo đúng mục tiêu tại Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá, WHO đưa ra phương án, mức tăng thuế đối với thuốc lá bắt đầu từ 5.000 đồng/hộp và đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/hộp. Theo tính toán, mức tăng này cũng làm ngân sách nhà nước thu thêm được khoảng 37 nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện của WHO, việc tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, điều này được chứng minh từ thực tế thời gian qua tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước. Tăng thuế cũng không ảnh hưởng tới việc làm, ngược lại còn làm tăng việc làm ở các ngành khác.
Thực tế, tỷ lệ lao động trong ngành thuốc lá chỉ chiếm 0,4% lực lượng lao động. Thậm chí khi không dùng tiền chi cho mua thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, thì người dân vẫn sẽ mua các sản phẩm khác, từ đó đóng góp chung vào nền kinh tế.
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế đối với thuốc lá. Phương án 1: Mức thuế tuyệt đối năm đầu thực hiện (2026) là 2.000 đồng/hộp, sau đó mỗi năm tăng thêm 2.000 đồng để đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/hộp.
Phương án 2: Mức thuế tuyệt đối năm đầu thực hiện (2026) là 5.000 đồng/hộp, sau đó mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng để đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/hộp.
So sánh tác động của hai phương án, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 bởi cho rằng phương án 2 tạo ra hiệu quả tức thời (ngay 2026) về sức khỏe cộng đồng hơn so với phương án 1 do giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn.
Thực hiện theo đề xuất này, thì tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (năm 2022) lên 59,38%, tương ứng với tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm từ 42,7% xuống còn 38,5% và số thu thuế tăng ừ 17,6 nghìn tỷ đồng lên 39,2 nghìn tỷ đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, các phương án tăng thuế của Bộ Tài chính đưa ra khá trung tính, không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu dùng dù chưa ở mức như khuyến cáo.
Thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thời gian qua, trong mô hình bệnh tật ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu, ước tính trung bình cứ 10 người thì 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm.
Ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ chính đối với mô hình bệnh tật tại Việt Nam là thuốc lá. Trong đó, riêng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản) và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người chết sớm.
Điều đáng nói, việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao. “Để giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó thuế là giải pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Y tế, thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng ngân sách nhà nước. Theo ước tính, nếu thuế thuốc lá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 5% - 8%.
Bộ Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nghiên cứu, bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp. Tăng thuế theo lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Bình luận