Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 7116/VPCP-CN ngày 2/10 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc thu phí trên cao tốc và giá sàn vé máy bay.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý và báo cáo cụ thể.
Cục Hàng không Việt Nam trước đó đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 - 750.000 đồng một chiều.
Dư luận gần như ngay lập tức "nổi sóng" phản đối bởi không ai tin trong thời điểm nền kinh tế kiệt quệ vì COVID-19, cần kích cầu để phục hồi mà lại đề xuất tăng giá vé máy bay.
Chia sẻ với VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng áp giá sàn vé máy bay là vi phạm pháp luật, nguyên tắc quản lý giá.
“Xét theo góc độ thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, việc quy định giá sàn trên thị trường hàng không nội địa là hoàn toàn không phù hợp, trái với định chế quản lý giá đã được quy định”, ông Long nói.
Ngoài ra, gần đây báo chí cũng phản ánh việc ô tô bị “chặn đường, ép đi vòng trả phí trên cao tốc”. Cụ thể, trong hơn 1 tháng Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn bộ xe trên cao tốc Lào Cai - Hà Nội chạy hướng về Hà Nội khi về đến cầu vượt Bình Xuyên đều được yêu cầu chạy theo hành trình trên và trả phí.
Nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải cho rằng, trả phí đường bộ là việc họ phải thực hiện kể cả khi không nhận được sự chia sẻ của nhà đầu tư VEC, nhưng việc đơn vị này tự ý thay đổi hành trình của phương tiện lưu thông trên cao tốc để tận thu là vô lý.
Bình luận