Theo đó, đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa quy định, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.
Lý giải về đề xuất này, Cục HKVN cho rằng việc điều tiết mặt bằng giá nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước (cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines). Cục HKVN thừa nhận giải pháp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và trấn an người tiêu dùng rằng đây chỉ là giải pháp mang tính chất tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn và cũng có nhiều hạn chế.
Về vấn đề này hiện trên công luận đã đưa ra rất nhiều lý lẽ, luận chứng khẳng định áp giá sàn là không thuyết phục, không khả thi, trong đó có việc thời điểm này các hãng bay cần phải giữ ổn định hoặc giảm giá vé để cùng Chính phủ bảo đảm an sinh, phục hồi phát triển kinh tế….
Xét theo góc độ thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, việc quy định giá sàn trên thị trường hàng không nội địa là hoàn toàn không phù hợp, trái với định chế quản lý giá đã được quy định. Về thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, tuỳ theo từng loại thị trường mà Nhà nước có những phương thức quản lý giá khác nhau. Đối với thị trường có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường (theo Luật cạnh tranh, nếu 1 DN chiếm 30% thị phần, 2 DN chiếm 50% thị phần, 03 DN chiếm trên 65% thị phần). Đối với DN bán hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường, thì nhà nước quy định giá trần (Giá tối đa).
Đối với những DN mua hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá sàn (Giá tối thiểu). Quy định như vậy để các DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường không lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình, để bán giá cao hơn giá trần hoặc mua với giá thấp hơn giá sàn do Nhà nước quy định hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trên thị trường hàng không nội địa hiện nay có 6 hãng hàng không đang hoạt động. Trong đó Vietnam Airlines chiếm khoảng 35%, VietJet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%. Như vậy, theo Luật Giá, thị trường hàng không nội địa vẫn có những DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Theo đó, Nhà nước chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn. Bởi đây là những DN bán dịch vụ vận chuyển cho người tiêu dùng, không được quy định giá sàn. Để bảo vệ người tiêu dùng, chỉ duy nhất với tuyến bay độc quyền, nhà nước mới quy định khung giá, đó là tại khoản 3, điều 19, Luật Giá: ‘Nhà nước quy định khung giá đối với dịch vụ hàng không nội địa tuyến độc quyền’.
Luật Hàng không quy định "khung giá" vé dịch vụ vận chuyển hành khách (giá vé máy bay). Việc quy định ‘khung giá’ là chưa chính xác. Trước đây, khi nghiên cứu, lấy ý kiến xây dựng Luật Giá, các chuyên gia, nhà chuyên môn đã bàn thảo kỹ, đã thống nhất về nguyên tắc quản lý giá đối với bên mua, bên bán và đối với từng lĩnh vực để thống nhất sản phẩm, dịch vụ nào Nhà nước quản lý giá, mặt hàng nào không đưa vào danh mục Nhà nước quản lý giá. Do Bộ GTVT chỉ quy định giá trần, còn giá sàn để ở mức 0 đồng nên chưa thấy ai lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, nếu Bộ GTVT bước qua lằn ranh, đưa ra giá ở ‘khung dưới’, tức giá tối thiểu (còn gọi là giá sàn) vượt 0 đồng, ở bất kỳ mức nào, dù là 1 đồng thì cũng vi phạm nguyên tắc quản lý giá, vi phạm Luật Giá.
Cần nhắc lại là các hãng hàng không bán dịch vụ vận chuyển hành khách, không phải là các hãng hàng không mua dịch vụ vận chuyển hành khách cho nên Nhà nước đã không ban hành, không quy định giá sàn.
Đó là chưa kể trên thực tế, giá vé máy bay của ngành hàng không có tính đặc thù mùa vụ và tính thời điểm rất cao nên sẽ không bao giờ có đủ sở cứ chính xác, toàn diện để áp giá sàn. Thông thường, mỗi năm hàng không có 2 mùa cao điểm là dịp Tết cổ truyền và dịp học sinh được nghỉ hè. Ngoài ra, những ngày nghỉ lễ, cuối tuần cũng có nhiều khách bay. Còn lại là những mùa, những ngày thấp điểm ít khách bay.
Mỗi tuyến bay và mỗi ngày cũng đều có các ngày và giờ thấp điểm. Các hãng phải cất, hạ cánh theo khung giờ cố định (slot bay) được nhà chức trách hàng không cấp phép, không thể dừng đợi khách để lấp đầy ghế. Gần 10 năm trở lại đây, nước ta có 2 hãng bay hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ nên việc nghĩ tới một mức giá sàn đã là phi thực tế. Hãy tiếp tục để các hãng tự quyết định giá bán vé. Nếu hãng nào vi phạm Luật Giá, Luật Cạnh tranh… thì luật pháp đã có đủ chế tài để xử lý.
Bộ GTVT không thể chỉ vì nhằm mục đích giảm bớt khó khăn cho Vietnam Airlines, giảm nguy phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước ở hãng bay này mà cố tình vi phạm pháp luật, ban hành quy định phi thị trường, phi thực tế gây hại cho hãng bay đối thủ, gây thiệt hại cho hàng chục triệu người dân và cản trở hồi phục sau dịch của các ngành du lịch, kinh tế…
Chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và Chính phủ đang chứng minh với các nước, đặc biệt là Mỹ và EU để họ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Chính sách giá sàn, bảo hộ VNA có thể làm tăng sự nghi ngờ rằng Việt Nam không tôn trọng thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, tiếp tục bảo hộ DN nhà nước. Đó là bằng chứng bất lợi trên bàn đàm phán quốc tế và làm chậm việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Bình luận