Trên thế giới hiện tại cũng không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra ngày 6/4, khi tham gia góp ý về Luật Giá (sửa đổi), một đại biểu đã đề nghị bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, việc áp giá trần, giá sàn với vé máy bay nội địa là hợp lý để tránh "hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại". Theo vị này, với các hãng bay chuyên nghiệp, giá vé 0 đồng hay 200.000 - 500.000 đồng không đủ chi phí nhiên liệu, chưa tính tới tiền lương cho người lao động hoặc chi phí khấu hao.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng từng đề xuất Bộ Giao thông vận tải áp mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa. Đề xuất này thời gian qua nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Theo Vietravel Airlines, hiện tại cơ quan quản lý Việt Nam đã có quy định giá trần với đường bay. Theo đó, đường bay dưới 500 km có mức giá vé tối đa 1 chiều là 1,6 triệu đồng/vé cho đường bay kinh tế, xã hội và 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác.
Những đường bay có khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé tối đa 2,2 triệu đồng/vé 1 chiều. Từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa 2,79 triệu đồng/vé. Còn với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối đa 1 chiều là 3,75 triệu đồng/vé.
Như vậy, việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền lệ. Trên thế giới, hiện tại cũng không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn, theo Vietravel Airlines.
Đại diện hãng hàng không tư nhân này cũng dẫn chứng một số quốc gia đã bỏ quy định về giá sàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016- 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá vé tối thiểu cho vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành du lịch các quốc gia này bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.
Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung và cầu vào từng thời điểm.
Vậy tại sao việc áp dụng quy định về giá sàn lại kiềm hãm sự phát triển của hàng không? Đại diện Vietravel Airlines thắng thắn cho rằng: “Việc áp dụng giá sàn hoặc giá trần sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành và phát triển dịch vụ của hãng hàng không, đồng thời việc áp khung giá cũng sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh và gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng”.
Cụ thể, khi đưa ra mức quy định về khung giá sẽ khiến vé máy bay về cùng một mức, dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không, từ phía người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng khi những hãng hàng không nổi tiếng có nhiều dịch vụ trọn gói hơn sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Quan trọng hơn theo Vietravel Airlines, mức giá sàn cũng phải được xem xét kỹ lưỡng vì nếu cơ quan quản lý Việt Nam đề xuất giá sàn ở mức khá cao sẽ dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp. Việc áp dụng giá sàn vào giá vé máy bay được xem như đang đi ngược xu hướng phát triển của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, đại diện Vietravel Airlines lo ngại.
Hồi tháng 9/2021, khi đưa ra đề xuất về giá sàn vé máy bay, Cục Hàng không cũng thừa nhận giải pháp mang tính chất tình huống này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một số quốc gia đã từng quy định mức giá tối thiểu vé máy bay nội địa đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán của các hãng hàng không. Do đó, họ đã bãi bỏ quy định giá sàn vé máy bay nội địa.
Bình luận