Đề tốt nghiệp Sử - Địa - Giáo dục công dân dễ thở, phổ điểm 7 - 8 trở lên

Tuyển sinhThứ Năm, 29/06/2023 13:39:26 +07:00
(VTC News) -

Theo nhận định của các giáo viên, bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội năm nay dễ thở, thí sinh dễ dàng đạt mức điểm 7 - 8.

Sáng nay, hơn 567.000 thí sinh tham gia bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội trong thời gian 150 phút theo hình thức trắc nghiệm.

Đề thiĐáp án
Môn Lịch sửXem tại đây
Môn Địa lýXem tại đây
Môn Giáo dục công dânXem tại đây

Với đề Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giảng viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá, so với đề thi minh họa, đề chính thức bám sát ma trận của đề thi minh họa, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12, phù hợp với nội dung được điều chỉnh thực hiện trong năm học 2022 - 2023.

Các câu hỏi được sắp xếp hợp lý theo mức độ tăng dần về độ khó nên thí sinh dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ.

Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lý, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải tư duy mạch lạc, kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.

Nhìn chung, đề thi môn Địa lý năm nay không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp học sinh chỉ cần học tốt các kĩ năng Địa lý và kiến thức lí thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm.

"Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt từ câu 71 trở đi, đây là các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên", thầy Nam cho biết thêm.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh minh hoạ)

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh minh hoạ)

Với đề Lịch sử, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Tuyensinh247.com nhận xét, nội dung đề thi năm nay tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, có 35 câu thuộc (chiếm 87.5%) nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, sau 1975 có 1 câu.

Đề thi có 4 câu thuộc chương trình lịch sử lớp 11, trong đó, 2 câu thuộc nội dung lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất, 1 câu về quốc tế cộng sản, 1 câu về chiến tranh thế giới thứ hai.

Thầy Hiển cho rằng, với đề thi năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35, để đạt điểm 9,10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khoẻ ổn định.

Với môn Giáo dục công dân, các giáo viên nhận định, đề có mức độ tương đương đề tham khảo, không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới, lạ. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8. 

25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, mang tính tổng hợp kiến thức của nhiều bài như câu 114 (mã 305).

Đặc biệt, các câu hỏi cực khó: 113, 114, 118, 120 là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Thí sinh phải nắm chắc kiến thức lý thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn