• Zalo

Đề tốt nghiệp Địa lý xuất hiện câu hỏi lạ, giáo viên cũng 'chào thua'

Tuyển sinhThứ Sáu, 30/06/2023 16:57:31 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều giáo viên nhận định đề Địa lý tốt nghiệp THPT 2023 có câu hỏi lạ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa khiến thí sinh khó chọn được đáp án đúng.

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, thầy Nguyễn Bá Đức, giáo viên dạy Địa lý ở Hà Nội nói đề Địa lý trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội năm nay xuất hiện câu hỏi lạ, nằm ngoài sách giáo khoa lớp 10, 11, 12.

Câu hỏi 79 trong mã đề 324 đưa ra bảng số liệu về khối lượng hàng hoá luân chuyển bằng đường hàng không trong nước và quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020. Câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp thể hiện số liệu này.

Đề đưa ra bốn đáp án: A. Cột, đường, miền. B. Tròn, đường, miền. C. Miền, cột, tròn. D. Đường, cột, tròn.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh lúng túng trước yêu cầu của câu hỏi, khó lựa chọn được dạng biểu đồ thích hợp nhất với số liệu trên.

Câu hỏi số 79 trong mã đề 324 môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT 2023.

Câu hỏi số 79 trong mã đề 324 môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT 2023.

Thầy Đức cho rằng, dang biểu đồ thể hiện cơ cấu là cấu trúc bên trong, hoặc tỉ lệ và những mối quan hệ giữa những bộ phận cấu thành, kết hợp tạo nên một hệ thống.

Để vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện sự thay đổi cơ cấu của các đối tượng chúng ta bắt buộc phải vẽ biểu đồ về diện tích; cụ thể trong trường hợp này là biểu đồ miền hoặc tròn; không thể vẽ biểu đồ cột hoặc đường biểu diễn để thể hiện sự thay đổi cơ cấu khối lượng hàng hóa. "Trong khi đó, cả 4 đáp án được Bộ GD&ĐT đưa ra trong đề thi đều không thoả mãn được hết yêu cầu của đề bài", thầy giáo nói.

Cô giáo Hoàng Hà My, giáo viên dạy Địa lý tại TP.HCM cũng nhận định, đề Địa thi tốt nghiệp THPT năm nay làm khó thí sinh. Đặc biệt câu hỏi số 79 mã đề 324 dữ liệu và yêu cầu rất lạ. "15 năm đi dạy học tôi chưa từng gặp yêu cầu tương tự như vậy trong các đề thi hay sách giáo khoa, thậm chí đề thi học sinh nhiều năm nay cũng không từng có", cô My dẫn chứng.

Không chỉ vậy, một số câu hỏi liên quan đến sử dụng Atlat Địa lý năm nay cũng thách thức thí sinh tự tìm hiểu thay vì ghi sẵn số trang như mọi năm. Nếu thí sinh không đọc kỹ đề, rất dễ bị nhầm, dẫn đến mất điểm câu hỏi. Đặc biệt thao tác tra cứu Atlat Địa lý rất mất thời gian, thí sinh chỉ có khoảng hơn 1 phút/câu hỏi, không đủ thời gian các em làm bài.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, Trưởng ban đề thi cấp quốc gia cho biết, sẽ trao đổi với bộ phận làm đề và gửi văn bản trả lời đến báo chí sau.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn