Chiều 14/7, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT xác nhận thông tin phản ánh của một số giáo viên liên quan đến câu hỏi số 15, mã đề 301 môn Lịch sử (thứ tự câu hỏi thay đổi theo các mã đề khác nhau) đề thi tốt nghiệp THPT 2023 có nội dung hỏi về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân.
"Câu hỏi này chưa chặt chẽ, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh", ông nói.
Theo ông, để câu hỏi chặt chẽ hơn thì nên hỏi: "Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây?".
Trước đó, trên một số diễn đàn, giáo viên phản ánh đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Lịch sử có một câu hỏi liên quan tới Nguyễn Ái Quốc giai đoạn hoạt động ở nước ngoài dữ kiện chưa chính xác.
Câu hỏi: "Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây: A. Liên Xô - B. Phần Lan - C. Ănggôla - D. Angiêri".
Đáp án do Bộ GD&ĐT công bố là "A. Liên Xô".
Tuy nhiên, khi đối chiếu với thông tin ở các tài liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh... có sự sai lệch về thời gian.
Theo các tài liệu, tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Paris (Pháp) sang Liên Xô với lời mời của Quốc tế Cộng sản để tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (Đại hội này diễn ra vào năm 1924).
Trong thời gian chờ họp Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, từ ngày 12 đến ngày 15/10/1923, với tư cách là đại biểu nông dân của các nước thuộc địa, Người tham dự Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Nông dân tại Mát-xcơ-va".
Như vậy tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc chưa tham dự hội nghị mà mới bắt đầu rời Pháp đến Liên Xô.
Trong khi đó, một số giáo viên Lịch sử lại cho rằng, trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 cơ bản ghi: Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô để dự Hội nghị quốc tế nông dân và Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (1924).
Như vậy nếu đối chiếu theo sách giáo khoa thì câu hỏi này không sai về mặt dữ kiện. "Tuy nhiên để thống nhất với các tài liệu nâng cao, nghiên cứu, thì Bộ GD&ĐT cần xem xét lại nội dung ra đề, câu hỏi thi để tránh gây tranh cãi", một giáo viên nói.
Bình luận