Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp, chính sách mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
"Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước chậm triển khai, vi phạm trong quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước", bà Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh.
Bà Phạm Thúy Chinh nhận định, những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trong báo cáo của Chính phủ chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là tồn tại, hạn chế của các bộ, ngành địa phương và chưa khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo...
Về lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
"Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội song kết quả còn hạn chế nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng", bà Phạm Thúy Chinh nói.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo. Công khai danh sách Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, báo cáo về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra: Chi ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán.
Theo Bộ trưởng Tài Chính, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp", ông Hồ Đức Phớc nhìn nhận
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp cổ phần hoá với tổng giá trị doanh nghiệp 309 tỷ đồng (trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước 278 tỷ đồng). Đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả…
"Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn DNNN còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế", Bộ trưởng Tài chính nói.
Bình luận