• Zalo

Đề nghị Quốc hội cân nhắc lại việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 14/08/2023 16:48:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội cân nhắc, bỏ chủ trương giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng theo chương trình phổ thông mới.

Phát biểu tiếp thu kết quả của Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cơ bản đồng thuận với các nhận xét, góp ý về những điểm cần điều chỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Đoàn giám sát và Quốc hội hết sức cân nhắc và "bỏ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa...".

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng lý giải, trong phiên làm việc giữa Đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7/2023, Bộ GD&ĐT đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này. Thế nhưng đến nay dường như vẫn đang tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy - học theo chương trình mới.

Người đứng đầu ngành giáo dục phân tích, chương trình giáo dục phổ thông mới thống nhất toàn quốc, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là học liệu, công cụ, hỗ trợ giáo viên, học sinh thực hiện yêu cầu của chương trình. "Từ đó, chương trình là duy nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa của nhà nước hay không", ông Sơn đặt câu hỏi. Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới.

Hiện Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm, cách sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

"Nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn 1 bộ sách riêng sẽ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Đồng thời cũng sẽ tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hiện Bộ GD&ĐT đang gấp rút điều chỉnh thông tư 25 về việc chọn sách, tăng kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách.

Đồng thời, các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…

Chính phủ cũng đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực năm 2024.

Trong báo cáo kết quả, Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá mức phí chiết khấu sách giáo khoa mới còn rất cao. Theo đó, với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.

Riêng năm học 2022 - 2023 chiết khấu sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Thông qua kết quả thanh kiểm tra, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục, công tác in, phát hành sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới của các nhà xuất bản. Đặc biệt, Đoàn giám sát kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xác định dấu hiệu vi phạm xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn