Đó là ý kiến của đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai).
Theo ông Minh, tại khoản 3 Điều 125 quy định về các trường hợp nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá, trong đó có trường hợp cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với người được nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuế đất hàng năm, nhưng phải di dời ra khỏi vị trí do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật;
Hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng. Theo đó, tại điểm d khoản 2 Điều 9 quy định đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Đại biểu cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội mà nhà nước phải thu hồi đất thương mại dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện xe… thì người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa.
Muốn kinh doanh phải đi tìm đất đấu giá nhưng nếu đấu giá không được, người khác trúng, đương nhiên người bị thu hồi đất phải dừng hoạt động, đóng cửa, sa thải người lao động.
"Như vậy không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai. Đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thu hồi thì phải bố trí lại để tái sản xuất", ông Minh nêu ý kiến.
"Việc trả một lần hay hàng năm thì nhà đầu tư được lựa chọn nhưng phải thuộc đối tượng được trả tiền thuê đất một lần. Vì không phải dự án xã hội hóa nào cũng được miễn 100% thuế đất trong suốt thời gian thuê. Việc mở rộng đối tượng như vậy sẽ góp phần đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội", đại biểu Hà Đức Minh phân tích.
Đồng tình Nhà nước đứng ra thu hồi đất
Phát biểu tranh luận liên quan đến quy định Nhà nước đứng ra thu hồi đất, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu rõ Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận trong thu hồi đất. Do đó cần làm rõ khi nào thỏa thuận và thỏa thuận ra sao.
"Cần phân biệt đất thu hồi cho dự án nhà ở thương mại, nếu là đất ở thực hiện hai bên thỏa thuận. Nhưng nếu là đất nông nghiệp thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển do doanh nghiệp thông qua đấu giá. Đối với đất nông nghiệp để chuyển cho dự án sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thỏa thuận", đại biểu Lâm nói.
Cũng kiến nghị về thu hồi đất, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất tại Điều 79.
Theo bà Hoa, các trường hợp thu hồi đất là trường hợp gì và những cơ quan nào sẽ quyết định bởi Luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trường hợp mà chưa làm rõ được thì sẽ trình UBTVQH bổ sung sau theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 điều này.
Tranh luận về thu hồi đất nhà ở thương mại, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu ý kiến: “Nếu kiểm soát chặt quá thì không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư, không phát triển được kinh tế xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì một số lợi ích siêu ngạch lại phục vụ lợi ích thiểu sổ”.
Vì thế, ông Huân cho rằng kiểm soát tốt nhất là thực hiện đấu thầu. Để đấu thầu được thì Nhà nước phải thu hồi đất. Đồng thời đền bù do Nhà nước thực hiện.
“Khi đó sẽ tiếp cận được giá thị trường. Người sử dụng đất khi được đền bù sẽ được tiệm cận giá thị trường trước khi đầu tư. Như vậy công bằng cho cả nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và Nhà nước không bị thất thoát”, đại biểu Huân nói.
Không quy định cứng điều kiện tái định cư
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật quy định, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đáp ứng đủ các điều kiện trên. Nếu quy định cứng như trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư sẽ trở nên khó khả thi, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu cho rằng, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là cực kỳ khó bởi lẽ phong tục tập quán là những nét văn hóa đặc trưng, mang màu sắc riêng, không địa phương nào giống địa phương nào. Khi được tái định cư, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác vì quỹ đất nơi có đất bị thu hồi đã hết.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc, căn bản, không quy định cứng để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Về điều kiện tái định cư, tại khoản 43 Điều 3 dự thảo Luật quy định, tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở mà không còn chỗ ở nào khác.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính băn khoăn khái niệm “không còn chỗ ở nào khác” được hiểu là chỗ tại địa phương nơi có đất bị thu hồi hay là trên toàn quốc. Theo đại biểu, việc xác định một người “không còn chỗ ở nào khác” rất khó, vì hiện tại trong hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời. Nếu viết như dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu “không còn chỗ ở nào khác” là trong phạm vi toàn quốc.
Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc và quyền lợi hợp pháp của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, đại biểu kiến nghị cần giới hạn phạm vi điều chỉnh khái niệm “không còn chỗ ở nào khác” là chỗ ở trong một địa bàn phạm vi xã, phường nơi có đất bị thu hồi. Việc sửa đổi này cũng là sự kế thừa, phù hợp với nguyên tắc bồi thường tái định cư tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật 2013 hiện đang được áp dụng.
Bình luận