• Zalo

Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị đề xuất thành lập Khu thương mại tự do ở Hải Phòng

Tin nhanh 24hThứ Hai, 11/10/2021 17:41:50 +07:00Google News
(VTC News) -

Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc thành lập Khu thương mại tự do ở Hải Phòng.

Chiều 11/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.

Trình bày về đề xuất phát triển Khu thương mại tự do cho Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Khu thương mại tự do là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá, có mô hình quản lý được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của Khu thương mại tự do theo quy định của Nghị quyết này và pháp luật liên quan.

Khu thương mại tự do được tổ chức thành các khu chức năng, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của Khu thương mại tự do.

Theo dự thảo Nghị quyết tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng trên cơ sở đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị đề xuất thành lập Khu thương mại tự do ở Hải Phòng - 1

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, mô hình quản lý phù hợp đối với Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng quy định tại khoản 1 Điều này, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, Khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến khái niệm này. Đồng thời, qua nghiên cứu một số khu thương mại tự do thành công trên thế giới cho thấy việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, thời gian vừa qua chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu thương mại tự do ở UAE, Singapore và Trung Quốc.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết quy định khái niệm về Khu thương mại tự do, cơ quan có thẩm quyền thành lập và ban hành cơ chế, chính sách, nguyên tắc xây dựng cơ chế chính sách áp dụng cho Khu để làm cơ sở cho thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sau khi Nghị quyết được ban hành.

Trình bày tóm tắt thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường cho biết, đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định về mô hình Khu thương mại tự do.

Xét về định hướng, hiện Nghị quyết số 45 của Bộ chính trị mới chỉ quy định: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng”.

Trong khi đó, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị đề xuất thành lập Khu thương mại tự do ở Hải Phòng - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thành công của mô hình là nguồn lực thực hiện, trong đó có nguồn lực rất lớn phải đầu tư cho kết cấu hạ tầng, song Tờ trình chưa đánh giá và đề xuất phương án tài chính.

Đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018 cho thấy có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách (đất đai, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính) và tại thời điểm đó nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án Luật. Do đó, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao. 

"Tóm lại, xuất phát từ những căn cứ trên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị trước mắt chưa quy định nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện Đề án, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền", ông Cường nói. 

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn