• Zalo

Cơ chế đặc thù đề xuất cho Hà Nội không toàn diện bằng TP.HCM

Tin nhanh 24hThứ Ba, 09/06/2020 15:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

ĐBQH cho rằng, so với cơ chế đặc thù mà TP.HCM đã có, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.

Ngày 9/6, Quốc hội tiếp tục với phiên thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Hà Nội phát triển quy định trong luật này rất hạn chế, thậm chí “bị vo tròn thành cái chung”.

Ông Thường nhấn mạnh, cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có "đôi cánh". "Cánh thứ nhất" là chính quyền đô thị. Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội cũng trăn trở câu chuyện này. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khoá.

Cơ chế đặc thù đề xuất cho Hà Nội không toàn diện bằng TP.HCM - 1

ĐBQH Nguyễn Phi Thường phát biểu tại phiên họp.

"Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng”, ông Thường bày tỏ.

Vẫn theo đại diện Đoàn ĐBQH Hà Nội, thực tế trước Hà Nội, TP.HCM đã được Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54) về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù.

Ông Thường cho rằng, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP.HCM đã có tại nghị quyết 54 là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.

“Tôi cho rằng những cơ chế chính sách đặc thù này mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển.

Hà Nội hiện có nhiều vấn đề bức bối như môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân bắt đầu có những vấn đề bộc lộ… và với ngân sách nguồn lực hiện nay thì rất khó khăn để làm!”, đại diện ĐBQH của TP Hà Nội khẳng định.

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, công dân Hà Nội hiện nay đang phải chịu đựng thực trạng "dù sống ở Thủ đô nhưng lại là sống ở nơi ô nhiễm nhất, tắc đường nhất”.

Cho rằng đây là điều đáng buồn, bà Khánh cho biết: “Nhiều khi đi các địa phương, tôi thấy đường sá thênh thang, không khí trong lành tôi lại ước gì Hà Nội được như thế. Giờ ở Hà Nội ra đường thì trang phục kín mít, không còn nhìn thấy gì nữa”.

Cơ chế đặc thù đề xuất cho Hà Nội không toàn diện bằng TP.HCM - 2

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo bà Khánh, Luật Thủ đô có nói đến các công trình liên quan môi trường giao thông mà ngân sách không đủ thì Chính phủ phải báo cáo Quốc Hội. “Nhưng Chính phủ chưa bao giờ báo cáo, bản thân tôi và nhiều đại biểu đã chất vấn Chính phủ nhiều lần nhưng vẫn chưa có câu trả lời”, nữ đại biểu nói thêm.

Nêu vấn đề sông Tô Lịch ô nhiễm, theo bà Khánh, việc ô nhiễm này tồn tại rất nhiều năm, được bàn luận và tranh cãi nhưng vẫn không được giải quyết.

Bà Khánh đề nghị Hà Nội cần có đề xuất cởi mở, đột phá hơn cho Thủ đô phát triển như nguyện vọng của cử tri và nhân dân và phải xứng tầm. Các dự án đầu tư về Hà Nội cần có chiến lược chứ không thể nhỏ giọt với cơ chế “xin-cho”.

Cũng theo nữ đại biểu, khi có cơ chế đặc thù thì cần có trách nhiệm quản lý đồng tiền của nhân dân, nhà nước một cách có hiệu quả. Mặt khác có cơ chế đặc thù để nội thành phát triển nhưng các vùng ngoại thành cũng phải được phát triển tương xứng.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn