Tham gia tranh luận tại Quốc hội về vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn đã lên tới mức "báo động đỏ".
Ông khẳng định không thể cải tạo môi trường bằng những hoạt động đơn lẻ, hay che giấu kết quả quan trắc, xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng.
"Việt Nam có quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu có thể đưa tiêu chí cụ thể, chất lượng năm sau không xấu hơn năm trước?", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề.
Từ những hình ảnh người Hà Nội phải đi lấy nước như thời bao cấp sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu, đại biểu Hiếu cho rằng, sự việc ấy đã làm lộ ra "sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, còn những khe hở để những kẻ không có lương tâm, luồn lách thu lợi trên sức khoẻ người dân. Cần rà soát văn bản pháp luật đã ký với các công ty cấp nước đã cổ phần hoá để đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước".
Vị đại biểu đoàn An Giang cũng nêu hiện tượng đáng suy nghĩ: "Các dự án xẻ núi, phá rừng nếu rà soát lại đều tìm thấy bất cập, khuyết điểm. Khi bị nhân dân hoặc báo chí phanh phui, lại tìm cách che đậy không từ thủ đoạn nào, lấp liếm tội ác và được một bộ phận những người có trách nhiệm tặc lưỡi cho qua vì suy nghĩ đơn giản môi trường là cái gì đó rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ".
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) nhận xét, sự cố như nước sông Đà bị đổ dầu thải cho thấy chính quyền phản ứng rất chậm.
Thực tế đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao chính quyền nhiều vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho dân như tăng cường trồng rừng, xây dựng công trình kiên cố chống lũ? Vì sao chính quyền nhiều vùng ô nhiễm không có biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời xử lý vi phạm? Rồi khi xảy ra vụ sự cố không kịp thời thông báo cho người dân để có biện pháp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng?
"Trong nhiều trường hợp, khi xảy ra sự cố, chính quyền nhiều nơi hết sức lúng túng, chưa thực thi hết trách nhiệm với dân. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, hội thảo, mít tinh, hoạt động bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành nhiệm vụ thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Đề nghị Chính phủ ngay trong thời gian tới cần có hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm để thay đổi căn bản tình trạng đáng buồn này", đại biểu Thuý nói.
Bình luận