Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, rất khó để yêu cầu ai đó 'từ chức đi", việc đó cần có sự chỉ đạo của Đảng vì liên quan đến công tác cán bộ.
Dư luận trên cộng đồng mạng và thậm chí một tờ báo đã lên tiếng đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức sau khi xảy ra nhiều vụ bê bối trong ngành Y tế khiến nhiều người dân bức xúc.
Báo Một Thế giới đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - ông Nguyễn Văn Tuyết về vấn đề này
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết |
- Đã có nhiều tiếng nói đòi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức ? Ông thấy vấn đề đã đến mức nghiêm trọng như vậy không ?
Chúng ta đã nói nhiều đến văn hóa từ chức nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những người giữ những cương vị, trọng trách đó và cơ chế để cho việc thực hiện từ chức, theo tôi, cũng chưa được rõ ràng lắm. Ví dụ, có những quy định đến mức nào, như thế nào thì mình nên từ chức.
Tuy hiện nay đã có nhưng cơ chế để cho chúng ta nghĩ đến việc đó như việc lấy phiếu tín nhiệm chẳng hạn, khi không quá bán tín nhiệm thì mở ra từ chức nhưng chưa có trường hợp nào thông qua việc lấy phiếu tím nhiệm để xin từ chức. Dư luận, cộng đồng mạng cũng thấy một khi tư lệnh các ngành, khi mình cảm thấy việc làm, đảm trách công việc quá nặng nề với mình thì cũng nên tính cho hợp lý.
- Với ngành y tế, khi dồn dập xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận như vậy, theo ông, thì người lãnh đạo ngành như Bộ trưởng đã phải suy nghĩ đến vấn đề từ chức không ?
Ở nhiều nước, khi đứng trước những vấn đề như vậy, tôi nghĩ là họ sẽ đứng ra nhận trách nhiệm và họ từ chức. Còn đối với ta, thì cái này phụ thuộc vào chị ấy (Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến- PV), phụ thuộc vào Bộ trưởng. Chứ mình cũng không dám nói là Bộ trưởng nên từ chức đi. Vì thực ra nó rất khó và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố về quá trình điều hành, quản lý của cả hệ thống như vậy. Sự phụ thuộc vào nhiều vấn đề để đi đến một quyết định rất hệ trọng. Tất nhiên, mình khuyên thì cũng không thể khuyên được.
- Theo ông, để từ chức không còn là điều hô hào suông nữa mà trở thành một hoạt động cần phải có trong sinh hoạt chính trị hiện nay, cần phải có những điều kiện cần và đủ nào ?
Mình cũng đã có những cơ chế, quy định cho việc này rồi, vấn đề là thực hiện ra sao. Ví dụ, việc lấy phiếu tín nhiệm, khi thấy mình không còn đủ sự tín nhiệm nữa thì nên tự giác báo cáo với tổ chức và xin từ chức.
Ngoài ra, chúng ta cần sự chỉ đạo của đảng với công việc này vì công tác cán bộ là công việc của đảng. Khi đảng thấy, với những cán bộ không đảm trách được công việc của mình thì đảng có ý kiến. Và khi đảng đã có ý kiến thì Quốc hội, bản thân người được đảng giao nhiệm vụ và Quốc hội đã phê chuẩn chức vụ ấy thì người ta phải có trách nhiệm lựa chọn cách thức ứng xử cho thỏa đáng.
- Còn đối với các đại biểu Quốc hội thì sao thưa ông ? Nếu đứng trước những vấn đề mà dư luận cử tri rất bức xúc với một vị lãnh đạo ngành nào đó như ngành y tế hiện nay chẳng hạn, và cũng thấy vị đó đã không thể hoàn thành trách nhiệm thì các đại biểu Quốc hội có nên chủ động đề xuất ý kiến xem xét về chức vụ hay phải chờ đến kỳ lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo ?
Tất nhiên các đại biểu Quốc hội cũng nên có ý kiến và tham gia đóng góp, góp ý trong thảo luận, góp ý về những tồn tại đó và cũng có thể yêu cầu Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề yếu kém đó. Sau phiên trả lời chất vấn đó thì Quốc hội có thể ra nghị quyết về những việc phải thực hiện trong thời gian tới với ngành đó như thế nào. Bộ trưởng cũng phải cam kết với Quốc hội là nếu như không thể hoàn thành, xử lý những vấn đề yếu kém đó, không làm được những điều đã hứa thì anh cũng nên xác định đi tới quyết định về công tác của mình.
- Ông thấy nên thay đổi thế nào đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với thực tiễn để các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nếu không đáp ứng, họ phải bị đào thải ?
Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, theo tôi, nó mang tính chất như lời nhắc nhở với các bộ trưởng về thực hiện công việc, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực của họ chứ không phải để nhằm không cho người này hay người kia làm nữa. Nhưng tôi thấy cử tri cũng rất băn khoăn vì mức độ mình đưa ra lấy phiếu tín nhiệm đến 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, việc phân định rạch ròi để đánh giá tín nhiệm nó cũng khó khăn.
Cho nên , thời gian tới, theo tôi nên chỉ bỏ ở 2 mức thôi: tín nhiệm và không tín nhiệm thôi chẳng hạn. Nhưng nếu thế là bỏ phiếu tín nhiệm rồi chứ không còn là lấy phiếu tín nhiệm nữa. Tôi cũng cho là sắp tới không nên bỏ phiếu tràn lan tất cả các chức vụ mà Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nên lựa chọn các Bộ trưởng, trưởng ngành trong quá trình thực thi công việc, có những vấn đề thì đem ra thảo luận, phân tích rạch ròi, sau đó, lấy phiếu tín nhiệm với thành viên đó thì việc đó mới hiệu quả hơn.
- Bây giờ, như ông nói, giả dụ có cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm với chỉ 2 phiếu: tín nhiệm và không tín nhiệm, với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ông sẽ bỏ phiếu nào?
Cái đó phải để tôi suy nghĩ. Bởi vì, thực ra với việc bỏ phiếu ai đó, mình phải xem cả quá trình. Nếu như bỏ phiếu thì rõ ràng Bộ trưởng phải trình bày tất cả những vấn đề mà mình làm trong thời gian qua những vấn đề làm được, những cái làm chưa được. Sau đó mình cũng phải xem cử tri đánh giá vấn đề đó như thế nào, đại biểu Quốc hội đánh giá thế nào khi đó mới quyết định nên bỏ phiếu thế nào.
- Chứ hiện nay ông thấy những vấn đề của ngành y có đủ để quyết định bỏ một lá phiếu tín nhiệm hay không ?
Không phải chưa đủ mà vấn đề có nên nói hay không.
Theo Một Thế Giới
Bình luận