Câu chuyện sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong số những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội đề cập trong buổi thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 8 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ngày 26/10.
Quyết liệt, đổi mới trong mọi lĩnh vực
Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ, đoàn Hưng Yên, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều phức tạp, Việt Nam vẫn có là một trong những điểm sáng về kinh tế của khu vực, tình hình xã hội ổn định. Thành công đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
"9 tháng, tăng trưởng của chúng ta đạt 6,82%. Cả năm dự báo đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu quốc gia và nằm trong nhóm tốc độ cao ở khu vực và quốc tế. Những con số sinh động này không chỉ là tự chúng ta đánh giá mà đây là kết quả được bạn bè quốc tế, các tổ chức kinh tế quốc tế thông qua dự báo toàn cầu", đại biểu Đỗ Tiến Sỹ cho hay.
Năm 2024 là năm có rất nhiều ngày lễ lớn và chúng ta đã tổ chức rất thành công, đảm bảo an toàn, tạo niềm tin, khí thế mới cho dân tộc.
"Cử tri, đặc biệt là cử tri đồng bào dân tộc hết sức phấn khởi. Trong bão lũ, hoạn nạn khó khăn thấy rõ được tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Hay như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm nay đứng đầu về sao kê. Song, việc sao kê rất đổi mới, công khai, minh bạch… mang đến nhiều tác động tích cực trong xã hội", đại biểu Đỗ Tiến Sỹ nêu ý kiến.
Đại biểu đoàn Hưng Yên cũng cho rằng, mặc dù 2024 có rất nhiều khó khăn nhưng sự quyết liệt, quyết tâm, đổi mới trong mọi lĩnh vực cũng được triển khai mạnh mẽ.
Còn theo đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, đoàn Trà Vinh, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trong đó nhiều dự án luật, nghị quyết với các chính sách lớn, phức tạp, quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, từ đó triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Trà Vinh, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 còn một số hạn chế nhất định.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu thêm những nguyên nhân hạn chế chủ quan, khách quan để có biện pháp khắc phục tốt hơn trong thời gian tới.
Giá vàng, chung cư tăng nóng… người dân vẫn khó tiếp cận
Việc giá vàng "phi tốc" liên tục từ đầu năm đến nay và đã lên tới 90 triệu đồng/lượng sáng nay (26/10). Đất đấu giá biến động bất thường… Giao dịch chủ yếu là giới đầu cơ trong khi người dân có nhu cầu thực sự lại không thể tiếp cận những mặt hàng này cũng là vấn đề nóng mà nhiều đại biểu quan tâm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nam, mặc dù thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm cả việc Ngân hàng Nhà nước đã giao cho các ngân hàng thương mại bán vàng cho người dân nhưng việc tiếp cận của người dân rất khó khăn.
"Hiện nay giá vàng tăng cao đã lên đến mức 90 triệu đồng/lượng. Ngân hàng có bán vàng nhưng người dân tiếp cận rất khó khăn. Tôi đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn để tăng cường quản lý thị trường vàng", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị.
Ngoài thị trường vàng, bất động sản cũng là vấn đề nóng có diễn biến phức tạp.
"Giá nhà chung cư tăng cao rồi bị đẩy xuống thấp mà vẫn không giao dịch được. Thực chất hầu hết người dân có nhu cầu thực sự rất khó tiếp cận. Các giao dịch nhộn nhịp hầu hết là do giới đầu cơ", bà Lê Thị Nga cho hay.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa cho biết, ngay việc đấu giá đất mang tính công khai, minh bạch thì giá đấu cũng bị đẩy lên cao một cách bất thường.
"Ở rất nhiều nơi, nhất là các thành phố đô thị lớn, việc đấu giá quyền sử dụng đất có giá tăng biến động bất thường. Người có nhu cầu thực sự để tiếp cận được rất khó, chủ yếu giao dịch có thể nói giới đầu cơ là chính", đại biểu đoàn Thanh Hóa nêu thực tế.
"Tôi nghĩ nguyên do là khi xây dựng bảng giá đất chưa theo kịp với thị trường. Thứ hai là áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2024 chưa được kịp thời. Các văn bản hướng dẫn nghị định, thông tư có nhưng tại địa phương, những văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của UBND, HĐND nhiều nơi còn chưa ban hành được", đại biểu Mai Văn Hải phân tích.
Theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, đây cũng là một vấn đề rất khó khăn trong triển khai thực thi Luật Đất đai năm 2024 dẫn đến hệ lụy liên quan đến thị trường bất động sản.
Bình luận