ĐBQH lo ngại tham nhũng lĩnh vực vũ trang, y tế chưa được ngăn chặn hiệu quả

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 24/10/2021 13:05:00 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH cho rằng nạn tham nhũng, tiêu cực chưa được ngăn chặn hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ trang, ngành Y, các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2021.

Về phòng chống tham nhũng, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chúng ta đã có nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát và thực thi xử lý vi phạm được thực hiện cương quyết, không có vùng cấm.

Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công... mà chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Hòa lo ngại những vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực vũ trang, ngành Y tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật, nơi nhân dân tin tưởng là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất, lại có một bộ phận không nhỏ tham nhũng nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân. Lợi ích nhóm, sân sau vẫn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công.

ĐBQH lo ngại tham nhũng lĩnh vực vũ trang, y tế chưa được ngăn chặn hiệu quả - 1

Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 24/10.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để họ trở nên “không dám, không muốn, không ham”.

Bên cạnh đó, cần có tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

Cán bộ trong lĩnh vực thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không bị áp lực hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng; biết vi phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe.

Đại biểu Hoà cũng cho rằng, phải phát huy vai trò đầu tàu, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như vai trò phát hiện của nhân dân. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục những hạn chế của công tác này trong thực tế. Vì khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng rất khó xử lý đúng quy định của pháp luật, lượng tài sản tham nhũng được thu hồi thấp do vướng về pháp lý.

Đóng góp ý kiến về phòng chống tệ nạn, ĐBQH Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) cho biết, cả nước hiện có 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, con số thực tế còn cao hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc quản lý người nghiện lại càng khó khăn, gây nhiều lo ngại về trật tự an toàn xã hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại cộng đồng. Việc đưa họ vào các trại cai nghiện theo pháp lý trong bối cảnh dịch bệnh không đảm bảo được tính cấp thiết.

Thời gian qua, cả nước vẫn phát hiện nhiều vụ buôn bán ma túy, các khách sạn, karaoke tổ chức sử dụng ma túy bất chấp quy định phòng chống dịch bệnh.

Đại biểu đoàn Lâm Đồng cho rằng, để vừa chống dịch bệnh vừa đảm bảo quyền con người, Chính phủ và các cơ quan tư pháp cần sớm khảo sát, thống kê, nắm bắt tình hình người nghiện ma túy để kịp thời kiến nghị ban hành cơ chế, hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm xử lý phù hợp với tình hình mới.

Xuân Trường - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp