Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý: Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư... trong phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phòng chống dịch COVID-19 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” đó, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
"Đục khoét, bòn rút thì hậu quả rất lớn"
Theo ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm công. Việc "giữ giá”, nâng khống giá trị thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh để ăn chia tiền chênh lệch đã xuất hiện ở nhiều địa phương.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh ở nhiều địa phương trở nên cấp bách. Do đó, nếu không tăng cường kiểm soát quá trình mua sắm đó thì sẽ tiếp tục xảy ra những hành vi vi phạm, thậm chí là tội phạm trong vấn đề sử dụng, mua sắm công, nâng khống giá trị thiết bị y tế, việc “bắt tay nhau” giữa các nhóm lợi ích để rút ruột ngân sách, chia nhau tỷ lệ phần trăm được thỏa thuận trước.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Vì dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ nên thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải áp dụng các biện pháp linh hoạt, cấp tốc, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm y tế. Trường hợp cấp bách có thể mua sắm theo trình tự rút gọn thay vì các thủ tục như bình thường. Và trong trình tự thủ tục rút gọn ở trường hợp cấp bách đó có thể phát sinh tiêu cực từ những sơ hở, thiếu sót và bị các đối tượng lợi dụng.
Theo ông Đinh Văn Minh, trong thời điểm hiện nay, việc mua sắm trang thiết bị trở nên cấp bách và áp dụng các biện pháp rút gọn hơn thì nguy cơ phát sinh tiêu cực cũng sẽ cao hơn. Do đó cần phải chú ý tăng cường kiểm soát tốt hơn so với trước kia. Trong lúc nguồn lực Nhà nước còn hạn chế mà bị các đối tượng đục khoét, bòn rút thì hậu quả của nó sẽ rất lớn”.
"Tham nhũng, trục lợi ở lĩnh vực khác đã tệ rồi, nhưng tham nhũng, trục lợi trong việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh... thì đó còn là tội ác, là táng tận lương tâm. Chính vì vậy, Thủ tướng lưu ý làm sao kiểm soát, giám sát tốt hơn để không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch" - ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh.
Quy trình chặt nhưng đạo đức xuống cấp thì sai phạm vẫn xảy ra
Năm 2020, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, xuất hiện vụ án tham nhũng vật tư y tế gây bức xúc dư luận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội). Với thủ đoạn thông đồng, "thổi giá" của các đối tượng, hệ thống xét nghiệm tự động Realtime PCR đã bị đội giá gấp nhiều lần.
Ngày 2/6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và 5 đồng phạm; tuyên y án phạt 10 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, các bị cáo khác lĩnh án từ 5 năm tù đến 6 năm 6 tháng tù về tội danh “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc đưa ra xét xử vụ án tại CDC Hà Nội đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, là hồi chuông cảnh tỉnh các cá nhân, doanh nghiệp câu kết kiếm tiền bất chính trên nỗi đau của người bệnh.
Không chỉ có vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, tại một số nơi đã xảy ra việc “nâng khống" giá thiết bị y tế. Vào tháng 7/2021 vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố thêm 3 bị can liên quan đến vụ nâng khống thiết bị y tế tại địa phương này, nâng số người bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là 13 bị can.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty luật Hồng Bách và cộng sự) cho biết, thời gian qua có nhiều vụ án liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng làm rõ. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật, hay đâu đó có những người làm không đúng quy định pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa trị cho bệnh nhân.
“Sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp vừa qua là kịp thời để chúng ta ngăn chặn, cảnh báo, nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm, đặc biệt là giai đoạn hiện nay khi cả nước đang ra sức phòng, chống dịch COVID-19. Mới đây, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị kiểm toán năm 2022 làm rõ việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19” – luật sư Nguyễn Hồng Bách nói.
Theo luật sư, quy định về trình tự, thủ tục, quy trình mua sắm trang thiết bị y tế mặc dù đã có nhưng cần phải xem xét sự đồng bộ, chưa chặt chẽ và không loại trừ ở một khâu nào đó có vấn đề. Từ kẽ hở đó, những người có chức, có quyền mới có thể lợi dụng, nâng khống giá vật tư, thiết bị để tư lợi cá nhân và gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.
Để hạn chế những sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy định pháp luật về quy trình, trình tự thủ tục mua sắm; quy trình về đấu thầu, chỉ định thầu mua sắm thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thậm chí bổ sung các quy trình về việc mua sắm để đảm bảo sự minh bạch tài chính và thu chi; xử lý nghiêm minh nếu phát hiện ra sai phạm.
“Sai phạm sẽ hạn chế rất nhiều nếu những người trong cuộc nâng cao đạo đức, thực sự vì nhân dân phục vụ. Vì quy định dù có chặt chẽ đến đâu mà đạo đức xuống cấp thì hành vi sai phạm có thể vẫn diễn ra”- luật sư Nguyễn Hồng Bách nói.
Bình luận