• Zalo

ĐBQH lo ngại đấu giá biển số ô tô giá cao dễ nảy sinh đầu cơ, trục lợi

Chính trịThứ Tư, 26/10/2022 16:20:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều đại biểu lo ngại việc đấu giá biển số ô tô rất có thể sẽ phát sinh tình trạng đầu cơ, trục lợi từ một nhóm người.

Phát biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, ở Việt Nam, từ năm 1993 và năm 2008 đã đặt ra vấn đề này nhưng do thiếu cơ chế pháp lý nên chưa triển khai được. Việc đấu giá biển số xe đảm bảo ích nước lợi nhà, công khai minh bạch nên cần được thực hiện sớm trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ, trục lợi thế nào. Ông Trung chia sẻ một số ý kiến cho rằng phải có xe mới đăng ký tham gia đấu giá biển và có quyền sử dụng suốt đời biển số đó. Những điều này dự thảo nghị quyết chưa nêu lên, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

ĐBQH lo ngại đấu giá biển số ô tô giá cao dễ nảy sinh đầu cơ, trục lợi - 1

Ông Nguyễn Hải Trung.

Lo ngại về tình trạng đầu cơ biển số đẹp, ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành uỷ TP.HCM cho biết, khi mở đấu giá sẽ xảy ra tình trạng người nghèo không bao giờ được sở hữu biển số đẹp và người giàu lại sở hữu rất nhiều. Ông Hải lo lắng phát sinh tình trạng một nhóm người chuyên đi đấu giá biển số với giá hời ở các địa phương khác rồi về trung tâm như Hà Nội, TP.HCM bán lại với giá cao hơn vài tỷ đồng để trục lợi. Vì vậy, đại biểu Hải đề nghị cần quy định rõ việc mua bán, trao tặng, sử dụng biển số đấu giá này.

Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đề nghị, biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế xe đó. Khi nào hết vòng đời xe thì biển số được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.

“Nếu biển số xe gắn với người có thể dẫn đến một số trường hợp chúng ta chưa lý giải được và dẫn đến khả năng đầu cơ rất lớn. Người ta có thể đấu giá rất nhiều biển số để gắn cho xe giá rẻ, khi ai đó có nhu cầu mua biển cho xe sang, xe xịn thì sẽ bán lại”, bà Thủy nêu thêm.

Bà Thủy cũng chỉ ra một số vấn đề chưa thực sự phù hợp, rõ ràng, có thể gây vướng khi triển khai việc này. Dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc nhưng hiện tại chúng ta đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương.

"Dự thảo đấu giá biển số theo kiểu đồng loạt cả nước. Nếu một người ở Cà Mau lên đấu giá và gắn biển số Hà Nội nhưng lại chạy ở Cà Mau rõ ràng sẽ tạo rất nhiều phức tạp trong quản lý. Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ quản lý và phải thay đổi thế nào để phù hợp", bà Thủy nêu.

ĐBQH lo ngại đấu giá biển số ô tô giá cao dễ nảy sinh đầu cơ, trục lợi - 2

Bà Nguyễn Phương Thuỷ.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho biết, từ năm 2009 đến nay, số ô tô đăng ký trên cả nước lên tới hơn 5 triệu chiếc. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Trước đây, nhiều địa phương từng xin cơ chế riêng, áp dụng đấu giá biển số xe để lựa chọn những biển số yêu thích. Song, thời điểm đó chưa thống nhất nên không thực hiện được. Đến bây giờ, nhu cầu tăng cao là thời điểm thích hợp để thực hiện việc đấu giá biển số ô tô.

Trong quá trình xây dựng nghị quyết, Ban soạn thảo không quan niệm biển số đẹp. Biển số đấu giá là biển số theo yêu thích của mỗi người. Có người quan niệm biển ngũ quý 9, ngũ quý 8 là đẹp, nhưng có người lại lựa chọn biển số dưới góc độ phong thủy, tử vi. Ai thích số nào có thể lựa chọn để tham gia đấu giá.

Với những người không lựa chọn đấu giá biển số xe thì vẫn đăng ký theo các quy định hiện hành của từng địa phương, với mức thuế, phí theo quy định của pháp luật.

Theo ông Đức, nhiều người thắc mắc, những người trúng đấu giá ban đầu với số đã được đăng ký cho ô tô đó, sau này có quyền cho tặng, thừa kế không? Ban soạn thảo đang tính toán, đề xuất không cho phép cho tặng, chuyển nhượng vì tuổi xe ô tô có hạn, không giống như các tài sản khác được. Và, biển số chỉ là vật phụ, gắn lên vật chính là ô tô.

Về hình thức đấu giá biển số, ông Đức thông tin sẽ không đấu giá trực tiếp mà đấu giá trực tuyến. Đơn vị tổ chức đấu giá sẽ tung lên mạng toàn bộ kho số, sau đó người dân thoải mái lựa chọn, ở bất cứ đâu, vùng miền nào, thậm chí đang ở nước ngoài cũng có thể đăng ký, lựa chọn được.

Việc đấu giá biển số xe được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".

Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ từng làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).

Theo chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, sau khi đại biểu thảo luận tổ về nội dung này, chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn