Về thông tin dự báo Việt Nam có nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn trong dịp tết nguyên đán sắp tới, theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), đây chỉ là con số dự toán, “thực tế người Việt không ăn nhiều đến mức độ như thế”, ông nói.
Cũng theo ông Nhưỡng, cần có đánh giá, kiểm tra kỹ hơn về “con số 200.000 tấn thịt”.
Theo ông Nhưỡng, giải pháp tái đàn có thể sẽ cải thiện tình trạng khan hiếm mặt hàng thịt lợn hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể nhập khẩu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phải được kiểm soát để tránh tình trạng nhập nhập ồ ạt, dư thừa số lượng nhưng chất lượng lại kém.
Vấn đề căn bản mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, đó chính là công tác tuyên truyền để người dân hiểu được vấn đề. Tránh việc giá thịt lợn bị một nhóm người tuyên truyền để nâng giá, ôm giá. Ngoài ra, phải có thực phẩm thay thế. Người Việt vẫn còn nhiều lựa chọn các mặt hàng thực phẩm để thay thế thịt lợn như thịt bò, gà, tôm, ….
Việc nhập khẩu theo ông Nhưỡng, sẽ là giải pháp được cơ quan quản lý Nhà nước hướng tới. Tuy nhiên, ông lo ngại về việc kiểm soát số lượng và chất lượng. Theo vị đại biểu, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ về giá cả. “Chúng ta đã có luật giá và cần tăng cường kiểm tra luật giá. Cần siết chặt quản lý để tránh tình trạng các thương lái lợi dụng việc này để trục lợi, tăng giá”, ông nhấn mạnh.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng, thực trạng khan hiếm thịt lợn là diễn biến bất khả kháng sau đại dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam. Điều này vượt qua ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, khiến nhiều hộ kinh doanh rơi vào thế bị động.
Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, tình trạng khan hiếm cũng có 2 mặt. Theo đó, nhiều người dân sẽ có được các lợi ích về việc giá lợn tăng cao. Vấn đề đối với người tiêu dùng là cần có sự linh hoạt để thích ứng với những biến đổi về giá thịt lợn.
Giá thịt lợn bình quân hiện nay được cho là đạt ngưỡng 80.000 đồng/kg, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Phát biểu tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, đến giữa tháng 11, tổng số lợn tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi là gần 5,9 triệu con, tương đương 337.000 tấn thịt. Ông cũng thừa nhận có hiện tượng "nhảy" giá thịt lợn.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), việc các thông tin gần đây tập trung phản ánh những nơi có giá tăng cá biệt đã vô hình trung tạo hiệu ứng lan tỏa, thương lái đã lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường.
Trước việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi có hay không tình trạng thương lái găm hàng, ông Nguyễn Xuân Dương nói "găm hàng chỉ là một phần, phần lớn giá cao do thương lái đầu cơ, làm giá". Tuy nhiên, theo ông, "tình hình vẫn trong tầm kiểm soát".
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn là có. Ông dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá thịt lợn đã tăng gần 19%, vượt dự báo từ đầu năm, nhất là xuất hiện tình hình phức tạp đầu cơ thịt lợn. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không nên đổ lỗi cho các trường hợp cá biệt ở địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các bộ tính toán số liệu cụ thể nguồn thiếu hụt để xem xét nhập khẩu từ các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam, nhằm kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.
Bình luận