Bên lề hành lang kỳ họp 5, Quốc hội XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng) nói, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông quy định sẽ nhiều bộ sách giáo khoa, việc lựa sách do giáo viên các trường đảm nhận. Tuy nhiên khi ban hành Luật Giáo dục năm 2019, Bộ GD&ĐT quyết định giao cho UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa thay vì giao quyền cho cơ sở quyết.
"Trước khi ban hành Luật Giáo dục, tôi từng nhiều lần ý kiến về bất cập khi Bộ GD&ĐT giao cho UBND các tỉnh thành quyết định chọn sách. Khi ấy, ý kiến của tôi chỉ là thiểu số, buộc phải chịu thua các ý kiến của đa số. Sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực và đưa vào thực tiễn đến nay đã bộc lộ rõ điểm bất cập này", bà Thuý nói.
Nhiều thầy cô phổ thông rất đam mê, yêu nghề, hôm nay họ lấy nội dung trong sách giáo khoa này, ngày mai lấy sách khác hay hơn để dạy, miễn sao đạt được chất lượng tốt nhất.
Để giáo viên chọn sách, các nhà xuất bản sẽ phải đi tới hàng triệu cơ sở giáo dục trên cả nước vận động mua sách giáo khoa. Còn nếu để UBND tỉnh, thành phố chọn sách thì nhà xuất bản chỉ cần vận động 63 tỉnh thành, cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT tham mưu, việc này dễ dàng hơn nhiều.
"So sánh như vậy để thấy giữa Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục, cái nào dễ bị lợi dụng hơn, phục vụ lợi ích nhóm", nữ đại biểu nói và cho rằng, cần thiết phải sửa Luật Giáo dục, thống nhất với Nghị quyết 88, giao cho cơ sở giáo dục, giáo viên lựa chọn sách. Đây là phương án tốt nhất, các thầy cô phản ánh rất nhiều sau 4 năm triển khai.
Trong thời gian chờ sửa Luật Giáo dục, có thể sửa Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT liên quan việc lựa chọn sách giáo khoa trước. Thông tư này không có chế tài cụ thể, mới chỉ đưa ra quy định về hội đồng chọn sách cần bao nhiêu người, gồm những ai... Thông tư chưa tính đến trường hợp có địa phương làm bài bản, có nơi làm chưa tốt, dẫn tới việc lựa chọn sách giáo khoa ở nhiều tỉnh thành chưa thực sự khách quan, lợi ích nhóm.
Ở các kỳ hợp trước bà từng trao đổi về việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán sách giáo khoa kèm số lượng sách tham khảo rất lớn.
Bộ GD&ĐT đã tiếp thu ý kiến trên để ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo. Hiện không còn tình trạng buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Nữ đại biểu Đà Nẵng ghi nhận qua theo dõi thực tế cho thấy về cơ bản chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc.
Để giảm gánh nặng về giá sách khoa cho phụ huynh, học sinh, đại biểu này bày tỏ, tại kỳ họp thứ 4 đã đề xuất cần quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá, gồm: giá tối đa và giá tối thiểu như các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. "Tuy nhiên đề xuất trên không được Bộ Tài chính đưa vào trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này, dù trước đó Bộ trưởng Tài chính hứa tiếp thu", vị này nói và đề nghị làm rõ, giải trình băn khoăn trên.
Ngày 8/2, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND quận Đống Đa (Hà Nội), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn đặt câu hỏi lãnh đạo các trường trên địa bàn quận "về việc có hay không sự gợi ý hay áp đặt trong lựa chọn sách giáo khoa?”.
Lãnh đạo các trường đều khẳng định: “Không có bất kỳ sự áp đặt nào trong lựa chọn sách giáo khoa. Quá trình lựa chọn minh bạch, công khai và kết quả chọn sách giáo khoa đúng như ý kiến của giáo viên, nhà trường”.
Từ những thông tin này, Bộ trưởng Sơn khẳng định quan điểm “không thể bàn lùi” trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai chương trình mới là thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện sách giáo khoa, chương trình phổ thông mới phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện, làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận