• Zalo

ĐBQH đề xuất quy định bảng lương riêng cho nhân viên y tế, giáo viên

Diễn đànThứ Năm, 27/10/2022 09:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất quy định bảng lương theo bậc, ngạch riêng cho nhân viên y tế và giáo viên để xứng đáng với công sức và giữ chân được người tài.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 chủ yếu nhằm khích lệ, động viên công chức, viên chức, bởi mức tăng không nhiều, từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng. Việc tăng lương này được áp dụng cào bằng với tất cả công chức, viên chức ở mọi lĩnh vực Nhà nước hiện nay. 

Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ cần có sự tín toán kỹ lưỡng hơn cho từng đối tượng, khu vực, loại hình..., đặc biệt quan tâm hai lĩnh vực giáo dục và y tế. 

"Hiện Chính phủ có động thái nghiên cứu tính toán mức lương đặc thù cho giáo viên và các y bác sỹ, để họ có thể yên tâm sống được với nghề. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, Chính phủ chưa trình Quốc hội xem xét thảo luận. Hy vọng trong kỳ họp tới, việc này sẽ được đem ra để bàn bạc, mức lương đặc thù của hai ngành này sẽ được tăng lên xứng đáng với những gì họ cống hiến cho nghề và giữ chân được người tài trong môi trường công lập Nhà nước", đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

ĐBQH đề xuất quy định bảng lương riêng cho nhân viên y tế, giáo viên - 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà.

Đồng quan điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cho rằng, giáo dục và y tế là hai ngành đặc thù. Khi một giáo viên, bác sỹ nghỉ việc, rất khó để tìm người thay thế ngay lập tức, ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, người bệnh.

"Với những ngành khác thì tôi không biết, nhưng riêng với giáo dục, y tế thì khác. Ngay từ khi 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT mục tiêu cao nhất của họ là được chữa bệnh cứu người, được trở thành thầy, cô giáo dạy học trò. Mục tiêu, ước mơ của họ không đặt nặng vào kinh tế mà họ yêu cái nghề cao quý đó nên mới theo đuổi, học tập để đạt được ước mơ. Và rồi sau 6 -10 năm, ra trường đi làm, mức lương nhận được chỉ gần 4 triệu đồng/tháng. Đãi ngộ quá kém để họ cống hiến hết chất xám của mình với mục tiêu ban đầu", bà Lan nhấn mạnh. Do đó, rất cần một bảng lương riêng cho các y bác sỹ và giáo viên, bên cạnh bảng lương cơ sở.

Đại biểu tỉnh Sóc Trăng Triệu Thị Ngọc Diễm cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề y và đội ngũ giáo viên.

Với các y bác sĩ, thời gian đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn. Với tính chất đặc thù, ngành y sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID-19. Do đó, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng khi cần, ví dụ hưởng 100% phụ cấp thu hút và phụ cấp đặc thù.

Đại biểu Ngọc Diễm cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y tế, giáo viên để làm sao tăng phụ cấp lên 100% so với hiện tại. Việc này, trước tiên là giữ chân được những y bác sỹ, giáo viên ở lại hệ thống công lập, về dài hạn là thu hút nhân tài, ngăn chảy máu chất xám.

Đồng ý với kiến nghị tăng phụ cấp nghề sư phạm và y tế lên 100%, đại biểu Nguyễn Văn An (thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cho rằng, khi dịch COVID-19 bùng phát, công lao của lực lượng y tế đã được ghi nhận, tôn vinh. Hay các giáo viên vừa chống dịch vừa gồng mình lên dạy học, không để học sinh bị hỏng kiến thức khi không được tới trường. Thế nhưng, sau đó, hàng chục nghìn nhân viên y tế và giáo viên phải thôi việc, do đời sống khó khăn.

"Nhà nước cần quan tâm đầu tư cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng này, giao Chính phủ quy định về chế độ, tiền lương, phụ cấp, trang phục, chế độ đặc thù với người hành nghề y tế bệnh viện công", ông An nói.

Trước mắt, đại biểu An cho rằng Chính phủ cần sửa đổi quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề với công chức, viên chức tại bệnh viện, trường học công lập từ 4 lên 80 - 100%.

Đang có làn sóng dịch chuyển mạnh từ cơ sở công lập sang tư nhân, đặc biệt sau hai năm phòng chống COVID-19. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, toàn quốc có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, trong đó có hơn 3.000 bác sĩ, 2.800 điều dưỡng... Tỷ lệ nhân viên y tế thôi việc cao ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng. 

Trong khi đó, theo quy định, bác sĩ sau khi học 6 năm đại học, thêm 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu được tuyển dụng vào bệnh viện công, họ sẽ nhận lương gần 3,5 triệu đồng/tháng, với phụ cấp ưu đãi nghề 40%, tổng thu nhập 4,8 triệu đồng mỗi tháng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn