• Zalo

ĐBQH: Cán bộ nói 'bánh mì không phải thực phẩm' nhận thức ấu trĩ về chống dịch

Chính trịThứ Tư, 21/07/2021 13:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ông Lê Thanh Vân nhận xét Phó chủ tịch UBND phường ở Khánh Hòa nhận thức ấu trĩ về chống dịch khi nói "bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu".

Sáng 21/7, góp ý kiến về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề giám sát về đơn vị hành chính và giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thay vào đó, đại biểu Vân nêu ra 2 chuyên đề mà theo ông cử tri, nhân dân đang rất bức xúc.

Thứ nhất là việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển.

"Cách đây 2 ngày, một vị Phó Chủ tịch UBND phường ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhận thức ấu trĩ về chống dịch. Ông này được luân chuyển từ phòng chuyên môn của thành phố. Dư luận đặt ra câu hỏi rằng cán bộ như vậy làm vị trí trụ cột ở phường, là mắt xích cuối cùng nối Nhà nước với Nhân dân thì uy tín của Đảng, Nhà nước thế nào", ông Vân nói.

ĐBQH: Cán bộ nói 'bánh mì không phải thực phẩm' nhận thức ấu trĩ về chống dịch - 1

Đại biểu Lê Thanh Vân 

Trường hợp mà ông Vân nhắc tới là Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà Trần Lê Hữu Thọ - người cho giữ xe của công nhân đi mua bánh mì và nói rằng "bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”. Ông Thọ là cán bộ Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang và mới được luân chuyển về làm Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà được khoảng 1 năm.

Một ví dụ khác mà vị đại biểu đoàn Cà Mau nêu ra là việc Hội đồng Bầu cử quốc gia phải loại ra một đại biểu trúng cử nhưng không đủ tư cách. Lý do là người này mắc vi phạm trước đó rất nhiều năm.

"Điều đó cho thấy công tác triển khai các quy định về tổ chức nhân sự bởi các văn bản pháp luật có những lúc tùy tiện, thiếu quyết đoán, không chọn đúng người. Nếu giám sát chuyên đề này có kết quả sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Chính phủ sốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chiến lược 5 năm", ông Vân khẳng định. 

Chuyên đề tiếp theo mà đại biểu Vân nhắc tới là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Vân, tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng lại ít kiểm tra, ít giám sát. 

Cũng phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng vấn đề giám sát, nhất là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội là rất cần thiết.

Ông Kim chỉ ra hiện có rất nhiều nội dung giám sát tuân theo pháp luật, giám sát để thực hiện những quyết định của Quốc hội. Theo đề nghị của các đại biểu, của các đoàn, nhiều nội dung, đối tượng, lĩnh vực cần giám sát.

“Tôi nghĩ rằng, trong nhiều nội dung như vậy thì phải “liệu cơm, gắp mắm”. Tôi tán thành với tinh thần tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn danh sách chuyên đề cụ thể”, ông Kim nói.

Nhưng vấn đề tồn tại chưa quan tâm thoả đáng trong chủ trương thực hiện giám sát từ trước tới nay đó là vấn đề “hậu giám sát”. Ông Kim cho rằng, khi lập chương trình cần đặt ra việc “hậu giám sát” để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội.

"Trong những kiến nghị đó, các địa phương, các đối tượng được giám sát có những kết quả gì, đã thực hiện ra làm sao chứ không phải như lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ. Khi thực hiện hậu giám sát, tôi rất mong muốn điều đó. Nếu hậu giám sát làm được tốt thì mới mang lại hiệu quả, ông Kim nói.

Song Hy - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn