Hàng loạt doanh nghiệp ở Bình Dương mất đơn hàng nên cắt, giảm lao động khiến cho hàng trăm ngàn công nhân rơi vào cảnh khó khăn khi thu nhập giảm sút. Chia sẻ khó khăn với người lao động, các chủ trọ ở Bình Dương đã miễn, giảm, giãn thời gian đóng tiền phòng, tặng nhu yếu phẩm. Những việc làm ý nghĩa này phần nào đã giúp công nhân có thêm động lực vượt qua những khó khăn trước mắt.
Đồng cảm với khó khăn của công nhân
Tết lại sắp đến nữa rồi nhưng đọc báo, nghe đài, bà Phạm Thị Hoa, một chủ trọ 47 phòng ở Bình Dương thấy nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng cho công nhân nghỉ nên rất lo lắng. Thăm hỏi, động viên dặn dò, bà vui vì mọi người đều có việc nhưng thu nhập giảm sút vì không được tăng ca. Công việc của công nhân ổn định nên bà không giảm, miễn tiền phòng như đợt dịch COVID-19 nhưng sẵn sàng hỗ trợ khi có phòng nào gặp khó khăn.
Bà Hoa chia sẻ, nhiều năm nay ai tăng giá thì tăng chứ bà vẫn giữ nguyên 900.000 đồng/phòng/tháng, điện nước tính theo giá Nhà nước. Công nhân nào không có tiền đóng, bà cho nợ để yên tâm lo công việc gia đình. Bà Hoa khoe, bà đang lựa quà Tết tặng cho từng phòng.
“Ở đây bà con ở lâu lắm nên giống như người nhà, nếu giúp được gì cô sẽ giúp ngay. Cô đang tính mua phần quà gì cho phù hợp với bà con ăn Tết. Năm nào cô cũng cho, cô nghĩ mình ăn bao nhiêu cũng hết, tiền xài bao nhiêu cũng hết. Nhiều người nói, nhà trọ cũng cho đồ Tết nhưng cô nghĩ nhà nào cũng cho được, nên năm nào cô cũng tặng”, bà Hoa cho biết.
“Mẹ Nguyệt”! là cái tên rất đỗi thân thương mà công nhân xóm trọ ở phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một gọi bà Lê Thị Nguyệt. Những công nhân trong dãy trọ 10 phòng của bà đa số là người gắn bó lâu năm. Biết nhiều đứa mất việc, bà thông báo giảm 50% tiền phòng, tương đương 450.000 đồng/phòng/tháng.
Chị Trần Thị Ngọc Nhã (40 tuổi, quê An Giang) là công nhân Công ty TNHH may Kim Long. Từ khi công ty giảm giờ làm, mức thu nhập của chị chỉ còn 5 triệu đồng/tháng, không đủ gửi về quê phụ chồng chăm mẹ già đau ốm và nuôi con nhỏ. Được bà Nguyệt quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giảm tiền phòng trong bối cảnh khó khăn chị rất vui mừng.
“Chúng tôi ở đây được chủ trọ coi như một gia đình nên cảm thấy rất may mắn. Không biết ở chỗ khác có được chia sẻ như vậy không? Tôi mong muốn những người chủ trọ thấy công nhân thất nghiệp cũng giảm bớt tiền phòng để giảm bớt phần nào gánh nặng", chị Nhã chia sẻ.
Để cái Tết đủ đầy
Bà Nguyệt, bà Hoa là hai trong số rất nhiều chủ trọ ở Bình Dương giảm, giãn, hoặc miễn tiền phòng, chia sẻ khó khăn với công nhân theo phát động của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, năm nay, toàn tỉnh có gần 290.000 lao động mất việc làm, bị giảm giờ làm, thu nhập giảm sút nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Do đó, mọi sự chia sẻ đều là động lực để công nhân yên tâm vượt qua giai đoạn khó khăn, đón một cái Tết ấm áp.
“Tổ chức Công đoàn rất cảm ơn chủ nhà trọ đã hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi của tổ chức công đoàn, thể hiện cái nghĩa, cái tình của người Bình Dương. Mong rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều hành động ý nghĩa của nhiều chủ nhà trọ, cũng như các tổ chức, cá nhân để có thêm nhiều nguồn lực để cùng tổ chức công đoàn, cùng tỉnh Bình Dương chăm lo tốt hơn cho người lao động”, bà Loan cho biết.
Để công nhân có Tết, các cấp công đoàn ở Bình Dương đã lên kế hoạch tặng gần 83.000 suất quà, mỗi phần 500.000 đồng, tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng cho những trường hợp khó khăn. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” với tổng kinh phí ước tính 20 tỷ đồng để tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho công nhân các tỉnh miền Trung, miền Bắc về quê đón Tết. Đối với hơn 400.000 công nhân ở lại Bình Dương đón Tết sẽ được các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, vui Xuân.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, bên cạnh nỗ lực của chính quyền để công nhân, người lao động có một cái Tết đủ đầy cũng cần sự nỗ lực của doanh nghiệp. Đây như là lời tri ân đối với người lao động đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
"Cũng mong muốn các doanh nghiệp trong điều kiện tốt nhất có thể đảm bảo các điều kiện về phúc lợi, cũng như các hoạt động chăm lo trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Với sự trân trọng, đóng góp của người lao động mà doanh nghiệp thể hiện bằng tình cảm, cũng như hỗ trợ về vật chất là điều kiện để "giữ chân" lao động", ông Tuyên nói.
Bình luận