Cứu người khi cháy không phải đăng ký
Sáng 1/11, thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị xem xét lại phần định nghĩa về tai nạn, sự cố.
Đại biểu đề nghị xem xét chỉnh lý lại là: “Tai nạn, sự cố là sự việc do thiên nhiên, con người, động vật đe dọa hoặc gây ra thiệt hại tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải cứu nạn, cứu hộ” cho dễ hiểu và phù hợp thực tế. Đây cũng là quy định đang được sử dụng hiện nay tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho biết, tại khoản 2, Điều 39 quy định: "Cá nhân có nguyện vọng tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện thì đăng ký với công an cấp xã nơi cư trú để huy động khi có yêu cầu".
Đại biểu đặt câu hỏi, trường hợp người tình nguyện cứu nạn, cứu hộ và tham gia phòng cháy, chữa cháy khẩn cấp thì có phải đăng ký với công an hay không? Trên thực tế có nhiều người tình nguyện tham gia cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp để cứu người, hạn chế thương vong khi chưa có lực lượng chức năng.
Đại biểu nêu ví dụ về thanh niên đã cứu được một số người trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) hay những người dân tham gia chữa cháy cứu người trong vụ tai nạn liên hoàn ở cầu Phú Mỹ (Thủ Đức, TP.HCM) hồi tháng 8 khi chưa có lực lượng chức năng đến hiện trường.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cụm "trừ trường hợp tình nguyện phòng cháy và cứu nạn cứu hộ trong tình huống khẩn cấp" vào cuối khoản trên.
Về báo cháy, tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ (Điều 6), đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị xem xét bổ sung một khoản quy định UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin về danh sách các cơ quan, tổ chức thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan công an trên địa bàn xã, kèm theo điện thoại đường dây nóng và địa chỉ liên hệ để người dân biết và lựa chọn nơi gần nhất để báo cháy, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cần thiết.
Xe chữa cháy phải tiếp cận được chung cư
Nêu quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng.
Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.
Với lý lẽ trên, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng kỹ năng thoát nạn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ vụ cháy nào. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy nổ xảy ra, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.
Theo đó, bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật trong huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra.
Bình luận