• Zalo

Dạy văn bằng sơ đồ tư duy

Giáo dụcThứ Tư, 19/11/2014 09:56:00 +07:00Google News

(VTC News) - Giờ học văn, thay vì cắm cúi ghi chép như cách học truyền thống, mỗi học sinh đều hào hứng cầm bút màu và...vẽ.

(VTC News) - Giờ học văn, thay vì cắm cúi ghi chép như cách học truyền thống, mỗi học sinh đều hào hứng cầm bút màu và...vẽ. Hình ảnh “kỳ lạ” này diễn ra tại một tiết học văn sáng tạo: học văn bằng cách vẽ sơ đồ tư duy

Phương pháp này yêu cầu học sinh phải động não, phối hợp nhuần nhuyễn đồng thời 2 kĩ năng nghe hiểu – ghi chép và đặc biệt là yêu cầu về kĩ năng sàng lọc thông tin. Không chỉ cảm thụ được vẻ đẹp của văn học, học sinh nắm bắt được ‘hồn’ của tác phẩm, nắm chắc dàn ý bằng cách “logic hóa” văn chương. Nếu đã rèn luyện được, chất lượng học tập nâng cao trong khi học sinh lẫn phụ huynh đều “nhàn”.

Ghi ít, nhớ nhiều


Giờ học văn của lớp 7A1, 7A2 và 7A3 của trường THCS VinSchool luôn diễn ra một cách vui vẻ và sôi nổi. Thay vì cắm cúi ghi chép kín trang giấy như cách học truyền thống, mỗi học sinh đều hào hứng...vẽ. Bài học được biểu thị sinh động dưới hình thức các “nhánh” thông tin, các kí hiệu, từ khóa, màu sắc, hình ảnh để ghi nhớ nội dung bài học, một cách khoa học và mạch lạc.

Ví dụ, khi phân tích tác phẩm “Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, các em học sinh lớp 7A1 lấy tên tác phẩm làm “hạt nhân”, các “nhánh thông tin” xoay quanh “hạt nhân” trên được chia cụ thể thành các nội dung về tác giả, tác phẩm, câu thơ đầu – 6 câu giữa – câu cuối (theo bố cục bài thơ).


Với mỗi “nhánh thông tin” như vậy, học sinh chỉ cần viết các “từ khóa” quan trọng nhất. Chỉ cần nhìn vào các “từ khóa”, học sinh sẽ dễ dàng thấm được nội dung bài học.
Sơ đồ tư duy của một học sinh VinSchool khi học bài thơ “Bạn đến chơi nhà” với những thông tin cơ bản nhất. Cách trình bày sinh động gây ấn tượng thú vị. Học sinh còn vẽ tranh thể hiện tình bạn giữa 2 nhân vật trong tác phẩm 

Mỗi học sinh có cách lập và trình bày “sơ đồ tư duy” khác nhau theo trí tưởng tượng và sáng tạo của mình, biến bài học thành một bức tranh sinh động bằng các hình thức như vẽ, sử dụng màu sắc, kết cấu nhánh hợp lý, … Và thay vì trăm trang giấy như một với nội dung đọc – chép giống nhau, mỗi sơ đồ tư duy đều mang dấu ấn cá nhân của từng học sinh, thể hiện rất rõ tư duy độc lập của từng em cũng hiệu quả tiếp thu bài học của từng học trò.

Cô Phạm Thị Hiền, giáo viên dạy ngữ văn của Vinschool – tác giả của phương pháp dạy học sáng tạo này cho biết, thực tế, sơ đồ tư duy đã được áp dụng cho tất cả các môn học tại hệ thống giáo dục Vinshool. Tuy nhiên, với môn văn, phương pháp học tập này đem lại những khám phá thú vị bất ngờ cho cả người dạy lẫn người học.

“Trước đây có học sinh tranh thủ nghỉ hè vẫn soạn văn dài nửa cuốn vở với kì vọng vào năm học sẽ giảm bớt áp lực, song đó nhiều khi là chép từ các sách hướng dẫn, khiến học trò viết nhiều nhưng không động não, trong đầu không đọng lại điều gì. Còn với sơ đồ tư duy, nếu nắm được bài có bao nhiêu ý, tìm đúng từ khóa, sử dụng hình ảnh minh họa phù hợp, thì học sinh phải động não, phải hiểu bài ngay trên lớp và nhớ được rất lâu. Hình ảnh, màu sắc sẽ tác động tích cực lên não” – cô Hiền chia sẻ.

Cân bằng cảm xúc – trí tuệ

Kiểu ghi chép sử dụng kí hiệu, từ khóa, nhánh, màu sắc, hình ảnh để giúp việc lưu trữ thông tin được khoa học và ghi nhớ thông tin hiệu quả là bản chất của sơ đồ tư duy. Vì vậy mà sơ đồ tư duy thường được sử dụng với các môn tự nhiên và thực sự phát huy kết quả rất tốt.

Nhưng với các môn xã hội, đặc biệt là môn văn, không ít người băn khoăn sẽ áp dụng  như thế nào và liệu “logic hóa” văn chương có làm mất đi cảm xúc của học trò khi tiếp cận tác phẩm không?

Làm rõ những quan ngại này, cô Phạm Thị Hiền khẳng định, việc truyền tải và bình giảng văn học trên lớp không có gì thay đổi, chỉ là thay đổi cách ghi chép. Sơ đồ tư duy còn là cách cân bằng cảm xúc – trí tuệ tốt hơn, muốn có cảm xúc về tác phẩm, học sinh phải động não, tư duy về tác phẩm. Một áng văn hay, một bài báo có ảnh hưởng lớn  trước hết là các tác phẩm có thông điệp mạnh mẽ, có cấu trúc rõ ràng.

“Học môn văn hiệu quả cần chú trọng vào dàn ý. Việc học bằng phương pháp sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh luyện tập và duy trì thói quen thiết lập bài viết chắc chắn, không sót ý, tạo ý…và quan trọng nhất khi học sinh thích thú thì học sẽ hiệu quả… ” – cô Hiền nói.
Sơ đồ tư duy giúp học trò nắm nhanh chóng dàn ý, khi làm văn nghị luận không bị sót ý 
Cô Hiền chia sẻ, đầu tiên phải hướng dẫn cách làm cho học sinh nắm được vì vẽ sơ đồ tư duy không như sơ đồ thông thường, đặc biệt là với môn văn, yêu cầu học sinh phải tập trung để nắm bắt được thông tin, sàng lọc những gì là cốt yếu, tìm được từ khóa và hình ảnh để thể hiện cho phù hợp…

Cái khó đối với phương pháp học này là làm sao duy trì được sự hứng thú của học sinh. Vì hình ảnh sinh động rất hấp dẫn thời gian đầu song nếu trở thành một yêu cầu thường xuyên sẽ khiến học sinh thấy nhàm chán. Do đó, theo cô Hiền, quan trọng là “liều lượng sử dụng”. Giáo viên cần linh hoạt để biết khi nào thì nên yêu cầu làm sơ đồ tư duy, cách làm như thế nào cho mới mẻ….

Áp dụng những phương pháp mới sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học 
Theo đuổi phương pháp này cũng là “thách thức” cho giáo viên vì các thầy cô phải đầu tư nhiều thời gian và tâm sức hơn rất nhiều cho mỗi giờ lên lớp.  Ngoài ra, không hề  “nhàn” như phương pháp đọc – chép truyền thống, cô đọc, trò ghi, giáo viên phải sàng lọc thông tin rất “nét”, bản thân bài giảng cũng rất logic và cuối cùng, giáo viên phải thu lại để xem học sinh vẽ sơ đồ tư duy thế nào, mức độ cảm thụ bài giảng đến đâu.

“Môn văn là môn khó để áp dụng, nhưng dần dần kĩ năng của học sinh sẽ tốt hơn nhiều. Các phụ huynh cũng rất đồng tình và ủng hộ phương pháp giáo dục này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tốt” – cô Hiền cho hay.
Thực tế, ứng dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy trong các môn học nói chung và cả môn văn nói riêng không phải là phương pháp hoàn toàn mới mà là chủ trương đã được Bộ GD-ĐT khuyến khích áp dụng ở các cấp học và các môn học. Nhìn rõ hiệu quả của phương pháp dạy và học hiện đại này, rất nhiều trường đã áp dụng nhưng mới dừng ở cấp độ chưa bắt buộc hoặc áp dụng “thí điểm”  với một số bài không quá khó.

Nhưng với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm và cởi mở, sẵn sàng đón nhận các phương pháp dạy và học sáng tạo, hiệu quả, các giáo viên Vinschool đã rất nỗ lực và tâm huyết áp dụng phương pháp này thành hệ thống, với cách triển khai bài bản, tất cả “vì học sinh thân yêu”.  

Hạnh Dung
Bình luận
vtcnews.vn