Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ là dự án quan trọng được được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt thuộc danh mục công trình thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện.
Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận đầu tư và giao cho các sở, ngành chức năng, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương đã thực hiện các bước công khai dự án theo quy định như: Thông báo chủ trương thu hồi đất, thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Mặc dù là dự án trọng điểm nhưng đến nay Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ vẫn chưa thể về đích đúng hẹn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu do một số ít người dân chưa chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, dự án Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án đầu tư khu ngày 26/02/2013 với diện tích khoảng122ha, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 07/02/2013.
Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đúng, đủ các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của người dân. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên, cho biết trong quá trình thực hiện dự án, UBND huyện đã tổ chức lấy ý kiến và tiếp xúc với người dân có đất bị thu hồi, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình giải phóng mặt bàng thực hiện dự án. Bên cạnh những hộ dân đồng ý nhận tiền đền bù và giao đất, có một số hộ dân không đồng tình và gây khó khăn khi dự án được thực hiện.
“Do cách hiểu chưa đúng, một số hộ dân cho rằng, giá đền bù thấp, chưa thoả đáng. Các hộ cũng mong muốn có thêm phần đất dịch vụ để hỗ trợ người dân, nên hiện nay trên địa bàn xã Hồng Thái còn khoảng 20 hộ dân chưa nhận tiền đền bù”, ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, đây là dự án do Nhà nước thu hồi đất, do đó không phải thỏa thuận đề bù, mà giá đền bù do Hội đồng định giá của tỉnh thẩm định ban hành.
Do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế cho nên UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Lam Sơn làm chủ đầu tư thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi dự án hoàn thành, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang sẽ thẩm định giá từng lô đất, UBND tỉnh sau đó ra quyết định áp giá cho từng lô đất tại dự án, khấu trừ trả lại phần kinh phí mà doanh nghiệp đã đầu tư. Số còn lại được nộp về ngân sách Nhà nước.
“Do đó những ý kiến cho rằng chủ đầu tư bỏ ra vài trăm nghìn đồng để thu hồi một mét vuông đất rồi bán lại để thu lời hàng chục triệu đồng là không có cơ sơ” - ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.
Theo ông Thân Quang Phương, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, nhằm tuyên truyền vận động nhân dân trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, đến nay UBND xã đã có trên dưới 17 phiên họp đối thoại. Các buổi tiếp dân do huyện chủ trì cũng trên dưới 20 lần. Hầu hết các hộ dân đã đồng thuận, nhưng hiện nay còn khoảng 20 hộ chưa nhận tiền đền bù.
“Giá đền bù thực hiện dự án theo quy định của tỉnh là 78.192.000 đồng/sào đúng chế độ chính sách nhà nước. Tuy nhiên với những hộ dân mất 100% diện tích đất thì vẫn còn hai kiến nghị: Một là xem xét giá tiền đền bù, hai là được cấp đất dịch vụ để chuyển đổi sang kinh doanh buôn bán”, ông Phương cho biết.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Ngô Văn Xuyên, Phó gám đốc sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang được biết bảng giá đất và quyết định giá đất đã được UBND tỉnh ban hành, tính toán phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó giá đất trồng lúa và cây hàng năm là 50.000 đồng/m2, tổng mức hỗ trợ là 150.000/m2, tổng mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi là đối với một mét vuông đất nông nghiệp là 217.200 đồng, quy ra sào Bắc bộ là 78.192.000/1 sào.
“Hiện nay một số người dân yêu cầu được đền bù ngang với giá đền bù tại tỉnh Bắc Ninh, là loại đất đô thị loại 1 là không phù hợp với các quy định của tỉnh”- Ông Xuyên khẳng định.
Ông Ngô Văn Xuyên cũng cho biết từ những năm 2001-2004, tỉnh Bắc Giang thực hiện thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp Đình Trám và nhiều cụm công nghiệp khác. Khi đó những hộ bị thu hồi đất để làm khu công nghiệp được hưởng tiêu chí giao đất dịch vụ nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất.
Tuy nhiên do quỹ đất chưa có cho nên tỉnh vẫn “nợ” nhân dân ở hai xã Hồng Thái và xã Hoàng Ninh khoảng 900 lô đất dịch vụ (diện tích 72m2/lô). Đến khi thực hiện dự án Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ, UBND tỉnh thực hiện chủ trương là phải dành ra quỹ đất để “trả lại” đất tiêu chí dịch vụ cho nhân dân.
Trên thực tế cho đến thời điểm này, chủ đầu tư đã đầu tư hạ tầng đồng bộ và giao 252 lô đất dịch vụ tiêu chí cho người dân xã Hồng Thái. Còn lại một số diện tích nữa thuộc xã Hoàng Ninh thì cũng đã có trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt, nhưng do công tác bồi thường GPMB đang thực hiện nên chưa thể giao đất cho người dân.
Lý giải việc tại sao hiện nay không thực hiện tiêu chí đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất, ông Xuyên cho biết trước đây thu hồi đất còn có chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng đất ở kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay thực hiện theo luật đất đai năm 2013 việc chuyển đổi nghề nghiệp được hỗ trợ bằng tiền theo quy định của Chính phủ là từ hai đến năm lần giá đất.
Đối với Dự án khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ hiện đang thực hiện mức hỗ trợ này là ba lần giá đất, đây là mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ là dự án quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân nhân trên địa bàn đang phát triển nhiều khu công nghiệp mà còn thực thi quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại tiến tới đưa trung tâm huyện Việt Yên trở thành thị xã vào năm 2025.
Bình luận