• Zalo

Dạy nghề vừa yếu vừa thiếu

Giáo dụcThứ Năm, 22/01/2015 12:58:00 +07:00 Google News

Đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã thừa nhận những yếu kém còn tồn tại trong hoạt động dạy nghề hiện nay.

(VTC News) – Đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã thừa nhận những yếu kém còn tồn tại trong hoạt động dạy nghề hiện nay.

Sáng 22/1, đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cho biết năm 2014 tuyển mới dạy nghề ước đạt 2,023 triệu người, đạt 113,7% kế hoạch, trong đó: Tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề 220.593 người, đạt 78,8% kế hoạch; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 1,802 triệu người, đạt 120,2% kế hoạch (trong đó dạy nghề cho 534.807 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính cuối năm đạt 49%.
dạy nghề
Hoạt động dạy nghề ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế 
Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa: đến cuối năm 2014 cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề, gồm: 173 trường cao đẳng nghề (45 trường ngoài công lập, 01 trường có vốn đầu tư nước ngoài); 301 trường trung cấp nghề (106 trường ngoài công lập) và 991 trung tâm dạy nghề (349 trường tâm ngoài công lập).

Việt Nam cũng tổ chức thành công kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10. Đoàn Việt Nam xếp thứ Nhất toàn đoàn với 16 Huy chương vàng, 07 Huy chương bạc, 07 Huy chương đồng, 11 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội thẳng thắn thừa nhận việc tuyển sinh dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề không đạt kế hoạch.

“Chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ của thị trường lao động và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất”, đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội thông tin.

Dạy nghề cho lao động nông thôn chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và tổ chức thực hiện của toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp cho người lao động vùng nông thôn.

Chất lượng giáo viên dạy nghề của nhiều cơ sở dạy nghề còn hạn chế nhất là về kỹ năng nghề; thiết bị dạy nghề lạc hậu không theo kịp với sự thay đổi của sản xuất.

Năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đặt ra mục tiêu tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người, trong đó: trung cấp nghề, cao đẳng nghề 250 nghìn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1,9 triệu người.

Đặc biệt, Bộ sẽ đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo cơ chế thị trường, gắn với nhu cầu xã hội. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp: phát triển đội ngũ giáo viên đạt chuẩn; phát triển chương trình dạy nghề dựa trên chuẩn năng lực thực hiện, trên cơ sở phân tích nghề với sự tham gia của doanh nghiệp;

Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội nhấn mạnh việc chuyển giao, áp dụng chương trình của các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế; chuẩn hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị.

Đơn vị này sẽ phát triển hệ thống quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư cho một số trường để trở thành trường chất lượng cao vào năm 2020 theo đề án “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”.

Ngoài ra, Bộ cũng chú trọng tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; mở rộng thực hiện cơ chế dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.

“Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề chính xác, kịp thời, xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu trình độ nghề theo vùng, miền.

Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp”, đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội nêu rõ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn