Đây là sản phẩm của Andrew McCarthy, nhiếp ảnh gia thiên văn nghiệp dư sống tại California (Mỹ).
Đã chụp nhiều ảnh Mặt Trời và Mặt Trăng trong 3 năm, song McCarthy khẳng định đây là bức ảnh rõ nét nhất của Mặt Trời mà anh từng chụp.
Sử dụng kính thiên văn Mặt Trời thế hệ mới, McCarthy đã chụp 100.000 bức ảnh với tốc độ 100 tấm/phút rồi ghép lại để tạo ra hình ảnh hoàn chỉnh, độ phân giải 230 MP.
Theo Daily Mail, hình ảnh hoàn chỉnh của McCarthy cho thấy ngôi sao cách Trái Đất 150 triệu km có màu đỏ rực, nổi bật trên nền trời tối. Các chi tiết như tia sáng, plasma phun từ Mặt Trời cũng được nhìn thấy rõ ràng.
“Tôi rất hài lòng với hình ảnh hoàn chỉnh”, McCarthy chia sẻ rằng quá trình chụp và ghép nhiều hình ảnh Mặt Trời là "thử thách lớn nhất từng trải qua". Những bức ảnh này được chụp trước buổi trưa, khi Mặt Trời lên cao và khí quyển tương đối ổn định.
“Để chụp lại hình ảnh Mặt Trời chi tiết nhất, tôi đã lắp ráp kính thiên văn Mặt Trời mới có tiêu cự 4.000 mm, độ phóng đại gấp 10 lần kính thiên văn cũ”, McCarthy nói rằng đã sử dụng kỹ thuật “hình ảnh may mắn” (lucky imaging), kết hợp những bức ảnh có tốc độ phơi sáng thấp để tạo ra hình ảnh rõ nét hơn, không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của khí quyển.
"Mọi người biết đến tôi vì những bức ảnh 'điên rồ', độ phân giải cao về Mặt Trăng. Tuy nhiên cho đến nay, tôi mới có được hình ảnh rõ nét tương tự về Mặt Trời", McCarthy giải thích.
Nhiếp ảnh gia trẻ cho biết đã chỉnh sửa màu sắc, độ sáng để Mặt Trời trông rực rỡ hơn. Kính thiên văn cũng không được chĩa thẳng vào Mặt Trời vì sẽ bị hỏng nếu không có bộ lọc cần thiết.
Bình luận