Ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay sắp đáo hạn.
Bất động sản, vàng, chứng khoán đầu tư đều tiềm ẩn rủi ro
Chị Trần Thanh Thủy (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vốn là viên chức Nhà nước nên trước đây chị thường sử dụng số tiền vốn của mình để gửi tiết kiệm ngân hàng bởi tính an toàn cao và mức lãi suất thời gian qua khá tốt so với việc đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản hay hoạt động kinh doanh khác.
Tuy nhiên, theo chị Thủy, tháng 10/2023, các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. “Trước xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm xuống sâu, tôi đang có suy nghĩ cần lựa chọn kênh đầu tư khác cho hiệu quả hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, dù biết gửi ngân hàng là kênh án toàn nhất hiện nay”, chị Thủy nói.
Trả lời VTC News sáng 5/11, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, lý do các ngân hàng hạ lại suất huy động là do thời gian qua họ huy động lãi suất cao đã thu hút hầu hết người dân đổ tiền vào gửi, trong khi các ngân hàng đang ế tiền vì không có người vay.
“Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo dòng tiền của người dân, doanh nghiệp đổ vào thị trường tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, kích thích sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hiếu phân tích.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhìn chung quanh cũng không có kênh đầu tư nào hấp dẫn. Chẳng hạn như chứng khoán có thời điểm lên đến hơn 1.200 điểm, nhưng bây giờ xuống gần 1.100 điểm và rất nhiều biến động trong lúc này.
“Thành ra chứng khoán không phải là kênh để đầu tư lúc này. Ngó qua kênh bất động sản thì đây cũng không phải là kênh đầu tư sinh lời hiện nay vì thị trường chưa có sức tiêu thụ. Còn kênh vàng thì lúc lên, lúc xuống và rủi ro lớn vì chênh lệch khá cao so với thế giới. Kênh ngoại tệ có khả năng tăng, nhưng không có sự bảo đảm và người dân không được đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất là có nguyên nhân do Chính phủ, muốn người dân không gửi tiết kiệm nhiều, mà kích thích người dân sử dụng tiền để mua sắm, tiêu dùng.
“Tôi nghĩ Chính phủ muốn kích thích tăng trưởng và có động lực tăng trưởng đầu tư công, thúc đẩy động lực tiêu dùng và đây là biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng”, ông Doanh nói.
Về việc người dân có dịch chuyển xu hướng đầu tư sang chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ hay không, ông Doanh cho rằng, ở thời điểm này việc đầu tư vào các kênh này không có lợi, thậm chí rất rủi ro.
“Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, ở thời điểm bình thường thì bất động sản chỉ chiếm khoảng 5 - 6% GDP. Nhưng nếu cộng cả các lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, đá, cát, sỏi… thì lên đến gần 20% GDP.
Nếu đầu tư thì nhà đầu tư cá nhân nên đầu tư vào mảng nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, logistic; còn các doanh nghiệp nên đầu tư vào những ngành nghề phát triển trong tương lai như công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Chúng ta không nên đầu tư mạo hiểm vì thời điểm này kinh tế thế giới đang có sự trì trệ và lạm phát”, ông Doanh nói.
Gửi ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn
Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AZfin Việt Nam - cho rằng, thời điểm trước, lãi suất và chứng khoán được đánh giá là ngược chiều nhau khi lãi suất tăng, chứng khoán giảm và ngược lại.
“Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại lãi suất liên tục xuống thấp nhưng chứng khoán vẫn không đột biến. Dù có lúc VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 20%, dòng tiền vẫn khá thận trọng”, ông Phục nói.
Cũng theo ông Phục, diễn biến vĩ mô còn nhiều yếu tố khó lường, cùng bài học từ nhịp giảm sâu của thị trường nửa cuối năm 2022 với nhiều điểm tương đồng bối cảnh hiện nay, khiến nhà đầu tư không còn đầu tư tất cả vào một kênh có mức độ rủi ro cao như chứng khoán.
“Hiện lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng chạm đáy với diễn biến hiện tại của nền kinh tế. Tín dụng quý cuối năm cũng thường tăng nhanh sẽ khiến các nhà băng khó hạ thêm lãi suất.
Việc áp dụng tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn mới, theo dự báo, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến hết quý I năm sau. Do vậy, thời điểm này kênh an toàn nhất vẫn là gửi ngân hàng”, ông Phục nói.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hiện có thể thấy, trong 5 kênh đầu tư là chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi ngân hàng thì tiền gửi vẫn có sự ổn định so với kênh khác và rất an toàn.
“Do vậy, việc nhận định nhiều người ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng bởi lại suất huy động hạ là không có cơ sở tại thời điểm này, trừ trường hợp lãi suất có thể xuống thấp hơn nữa và thị trường đầu tư khác có sự hồi phục lại thì tình hình mới có thể đổi khác”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong bối cảnh này, người có tiền không nên quá mạo hiểm đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản hay vàng, mà kênh đầu tư ổn định lâu dài nhất vẫn là gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Gửi ngân hàng thời điểm hiện tại không cho lãi suất cao, không cho lợi nhuận lớn, nhưng nhìn xung quanh các kênh đầu tư khác, không kênh nào có hiệu quả như gửi tiết kiệm. Đặc biệt, gửi tiết kiệm cũng là kênh có hệ số an toàn cao nhất”, ông Doanh nói.
Bình luận