Cuối giờ chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng giải trình sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Làm rõ vấn đề tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình thế giới khó khăn, nhiều diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ. Kinh tế trong nước độ mở lớn, tính chống chịu, tự chủ còn hạn chế, đang chuyển đổi nên chịu nhiều tác động từ bên ngoài.
"Kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn rất đáng trân trọng và tích cực, trong khi các nước khác như Thái Lan dự báo tăng trưởng 2,7%, Malaysia 4%, Indonesia 5%, Trung Quốc 5%. Những con số này cho thấy kết quả của chúng ta như thế cũng là một sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị ", ông Dũng nói.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, một số chính sách của Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần vào kết quả cao trong 9 tháng đầu năm của năm nay.
“Bên cạnh các hỗ trợ này, chúng ta cũng đã dành hơn 50% nguồn lực của chương trình cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Toàn những dự án quan trọng, dự án trọng điểm mang tính chiến lược của quốc gia hiện nay đang triển khai cũng đang rất tích cực.
Các dự án này, chúng ta đã dành 176.000 tỷ đồng/337.000 tỷ đồng của cả chương trình cho đầu tư hạ tầng, bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động”, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận một số chính sách chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trong đó, giải thích việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm, ông Dũng cho biết có hai lý do.
Thứ nhất, do nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay, do đơn hàng, do tình hình sản xuất, nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.
Thứ hai, do thiết kế chương trình hỗ trợ rất thận trọng, trong đó có quy định về "dự án có khả năng phục hồi". Quy định này khiến người đi vay, đơn vị cho vay đều "ngại" trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Do đó, chưa đạt kỳ vọng chương trình đưa ra.
“Hiện nay, mới giải ngân được 873 tỷ đồng, gần bằng 2% kế hoạch”, ông Dũng nói và thông tin thêm “Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sẽ thực hiện tiếp chương trình này đến hết năm 2023, nếu không đạt được, chúng ta sẽ hủy dự toán.
Đây là khoản chúng ta chưa phát hành, chưa huy động nên không ảnh hưởng gì đến bội chi. Thay vào chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này chúng ta sẽ chuyển tiếp sang xin giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác trong thời gian tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp”.
Về năng suất lao động không đạt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân là do mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi, chậm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực; khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của đặt ra.
"Riêng năm 2023 còn có lý do là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với mục tiêu. Sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn. Một bộ phận lao động chuyển sang khu vực dịch vụ, chủ yếu là các ngành nghề phi chính thức và có năng suất lao động thấp hơn. Một bộ phận lao động dịch chuyển việc mới nên cũng cần phải có thời gian học tập và đào tạo lại để thích nghi”, ông Dũng lý giải.
Tư lệnh ngành KH&ĐT cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một đề án tăng năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; giao cho Bộ KH&ĐT xây dựng một đề án về chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động nhằm đưa năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng được các hiệu quả cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bình luận