Dưới thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam đã hai lần chạm trán Nhật Bản, lần lượt tại tứ kết Asian Cup 2019 và lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022. Dù chỉ thua tối thiểu 0-1 ở cả hai trận, nhưng khoảng cách mênh mông giữa hai đội tuyển vẫn được thể hiện rõ nét.
Khi tuyển Nhật Bản không còn động lực thành tích rõ ràng (đã giành vé tới World Cup 2022), tuyển Việt Nam có thể chờ đợi vào bất ngờ, dù khả năng có điểm quá cao với tình hình lực lượng hiện tại.
Video: Việt Nam 0-1 Nhật Bản
Công thức 3-5-2
Tuyển Việt Nam tham dự trận gặp Nhật Bản với chỉ 20 cầu thủ. 5/11 cầu thủ Việt Nam đá chính ở trận lượt đi nhiều khả năng không góp mặt ở cuộc so tài này bởi chấn thương và dịch COVID-19. Ban huấn luyện từng nhiều lần đối mặt với tình trạng chấn thương diện rộng, nhưng chưa bao giờ quỹ cầu thủ bị bó hẹp như thời điểm này.
Tuyển Việt Nam đã có trận đấu chấp nhận được trên sân nhà trước Oman. Tạo ra nhiều cơ hội, hạn chế sai lầm cá nhân ở khâu phòng ngự trong bối cảnh thi đấu với đội hình chắp vá cho thấy nỗ lực của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Trước trận, nhà cầm quân người Hàn Quốc cùng Công Phượng đều nhắc tới yếu tố tinh thần. Phải chơi với hơn 100% khả năng, tuyển Việt Nam mới có thể tạo bất ngờ trước Nhật Bản - đối thủ còn mạnh hơn Oman rất nhiều. Nhiều khả năng, HLV Park Hang Seo sẽ tiếp tục sử dụng đấu pháp 3-5-2, thay cho sơ đồ 5-4-1 quen thuộc trước đó.
7 trận đầu tiên, tuyển Việt Nam trung thành với sơ đồ 5 hậu vệ và 1 trung phong. Có những thời điểm HLV Park thay đổi cấu trúc đội hình như hiệp 2 trận gặp Australia (đá 3-5-2), nhưng cách chơi phòng ngự với 9 cầu thủ tập trung ở sân nhà, rồi tận dụng những đường bóng dài hướng tới Tiến Linh vẫn là chủ đạo.
Lối chơi này an toàn, nhưng khiến tuyển Việt Nam bị động bởi quân số phản công ít, còn đội hình đẩy lùi sâu khiến quãng đường luân chuyển bóng bị kéo dài ra. BLV Quang Tùng phân tích: "Tuyển Việt Nam cần đẩy khối đội hình lên cao hơn khoảng 30, 40m và mạnh dạn cầm nhịp, thay vì lùi sâu và không biết làm gì khi có quả bóng trong chân".
Giải pháp cho vấn đề này là sơ đồ 3-5-2. 2 trận gần nhất chơi với công thức này, tuyển Việt Nam thắng 1, thua 1, ghi 3 bàn, thủng lưới 2 lần. Sự xuất hiện của tiền đạo lùi Tuấn Hải đã giúp HLV Park Hang Seo mới mạnh dạn chuyển đội sang chơi với công thức mới.
"Tuấn Hải cùng Tiến Linh tạo ra khẩu súng hai nòng cho hàng công đội tuyển. Trong khi các cầu thủ tấn công khác có xu hướng dạt biên, thì Tuấn Hải có thể bó giữa, chơi như một tiền đạo và thi đấu trực diện. Cầu thủ này có thể lực, sức va, giúp đội có thêm một nhân tố nguy hiểm ở trung lộ", BLV Quang Huy chia sẻ.
Khả năng hỗ trợ phòng ngự, lao vào mọi điểm nóng tranh chấp như một chiến binh của Tuấn Hải như lời mô tả của HLV Phạm Minh Đức bổ sung thêm tính chiến đấu cho tuyển Việt Nam, hứa hẹn giúp đội phòng ngự chủ động hơn, thay vì để đối thủ thoải mái cầm bóng, gây áp lực cho hàng thủ như trận lượt đi.
Ngoài ra, sơ đồ 3-5-2 với 7 cầu thủ chơi gần nhau ở tuyến tiền vệ, tiền đạo giúp các cầu thủ dễ phối hợp, triển khai bóng hơn khi giành lại quyền kiểm soát. Sự tự tin khi có bóng là vấn đề của tuyển Việt Nam trước những đội mạnh, song đang được củng cố với hệ thống chiến thuật mới.
"Sơ đồ 3-5-2 cũng giúp tuyển Việt Nam có thêm nhân sự. Hùng Dũng đánh chặn, còn Quang Hải có khả năng tạo ra hội ngay sau những pha bóng thoát pressing. Nhờ vậy, lối chơi sẽ tiềm ẩn nhiều hơn bất ngờ", BLV Quang Huy phân tích.
Thận trọng trên hết
Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng tuyển Việt Nam vẫn chơi 3-4-3 hoặc 5-4-1, cùng lối đá phòng ngự phản công. "Nếu Quang Hải lùi về giữa sân đá cùng Tuấn Anh, Hùng Dũng thì đội sẽ chơi 3-5-2 với cặp tiền đạo Công Phượng và Tuấn Hải. Đội hình này sẽ chơi khoảng 60 phút rồi thay đổi tùy theo tình hình", ông Xương phân tích.
Do Tiến Linh chấn thương, còn Công Phượng là mẫu cầu thủ hoạt động rộng, không đá cố định và giỏi làm tường như Tiến Linh, nên có thể HLV Park Hang Seo sẽ linh hoạt điều chỉnh.
Nhưng dù chơi với đội hình 3-5-2 giàu sức tấn công hơn, đấu pháp phù hợp nhất với tuyển Việt Nam vẫn nên là sự chậm rãi và thận trọng. "Tuyển Việt Nam nên đá chậm, chắc chờ thời cơ phản đòn, đá dày quân ở phần sân nhà, bởi Nhật Bản tận dụng sai lầm rất nhanh", BLV Quang Huy cho biết.
3 trong 4 trận sân khách gần nhất, tuyển Việt Nam đều có bàn thắng, thậm chí mở tỷ số ở 2 trận nhờ mạnh dạn gây sức ép lên đối thủ ở một số thời điểm. Tuy nhiên, BLV Quang Huy cho rằng Nhật Bản vẫn là ngọn núi cao, đòi hỏi HLV Park Hang Seo phải sử dụng những con người tốt nhất để tạo ra bất ngờ.
"HLV Park sẽ tối ưu hóa con người đang có, chỉ thay đổi trong trường hợp bất đắc dĩ, như để Thanh Bình đá thay Thành Chung - cầu thủ vắng mặt do án treo giò. Hãy dùng những con người đáng tin cậy lắm.
Nhiều người nói đội tuyển nên trẻ hóa, nhưng chỉ có thể trẻ hóa kiểu đan cài dần dần mới tốt cho cầu thủ trẻ, chứ để cầu thủ trẻ đá chính ngay dễ phản tác dụng. HLV Park cần dùng con người tốt nhất, hợp nhất cho hệ thống, thay vì bị đặt áp lực phải hướng tới tương lai mà sử dụng cầu thủ trẻ bất chấp", BLV Quang Huy phân tích.
Dự đoán đội hình (3-5-2): Văn Lâm; Thanh Bình, Việt Anh, Ngọc Hải; Tấn Tài, Tuấn Anh, Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Xuân; Công Phượng, Tuấn Hải
Bình luận