• Zalo

Đau nửa đầu: Nguyên nhân, cách khắc phục bạn nên biết sớm để tránh bệnh trở nặng

Bệnh và thuốcThứ Năm, 09/06/2022 09:40:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Khi đau nửa đầu, chúng ta chỉ có thể nằm nghỉ, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thế nào để ngăn chặn, giảm bớt chứng bệnh này?

Đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu có đặc điểm là đau nhói theo nhịp đập của tim hoặc mạch. Khi đau nửa đầu, một số người bị đau ở mắt và vành mắt. Ánh sáng chói và tiếng ồn có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn. Khi đau nửa đầu, cũng có thể bị chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa.

Đau nửa đầu có thể nghiêm trọng hơn đau đầu bình thường. Đau nửa đầu là vấn đề về thần kinh, cơn đau đầu chỉ là một trong những triệu chứng. Khi đau nửa đầu, bạn có thể gặp các vấn đề như mệt mỏi, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn và nôn mửa. Cơn đau đầu nói chung khiến bạn cảm thấy khó chịu khắp vùng đầu, đặc biệt là trán, trong khi đau nửa đầu thường chỉ đau một bên.

Sau khi cơn đau nửa đầu thuyên giảm, một số triệu chứng có thể vẫn còn như chóng mặt, khát nước, mệt mỏi,… Song cũng có trường hợp thấy sảng khoái, dễ chịu hơn khi cơn đau giảm.

Đau nửa đầu: Nguyên nhân, cách khắc phục bạn nên biết sớm để tránh bệnh trở nặng - 1

Đau nửa đầu nguy hiểm hơn đau đầu bình thường (Ảnh minh họa).

Dấu hiệu báo trước cơn đau nửa đầu

Một vài ngày hoặc vài giờ trước khi lên cơn đau nửa đầu, một số bệnh nhân sẽ có dấu hiệu báo trước.

Theo dữ liệu của WebMD, một trang web chăm sóc sức khỏe nổi tiếng thế giới và Phòng khám Mayo Clinic của Mỹ, các dấu hiệu báo trước cơn đau nửa đầu bao gồm: Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi vị; cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, thường xuyên ngáp dài; liên tục thèm ăn hoặc chán ăn; khát nước; táo bón hoặc tiêu chảy; chướng bụng đầy hơi; cứng cổ.

Tiến sĩ Chen Renze, Giám đốc Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Cathay General Hospital, Đài Loan cho biết, không phải bệnh nhân đau nửa đầu nào cũng có dấu hiệu báo trước, nhiều người sẽ đột ngột trải qua cơn đau.

Một số bệnh nhân đau nửa đầu gặp phải tình trạng thần kinh bất thường, chẳng hạn như: mắt nhìn thấy những tia chớp, đốm đen; tầm nhìn bị thu hẹp, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân; ù tai; thay đổi mùi vị.

Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu và rất khó để xác định chính xác. Tuy nhiên, có một thống nhất chung rằng, do những hoạt động bất thường của não làm chất dẫn truyền thần kinh và các chất hóa học trong máu biến đổi, mạch máu co lại hoặc giãn ra, từ đó gây ra cơn đau nửa đầu..

Các nguyên nhân có thể gây ra chứng đau nửa đầu bao gồm: Ánh sáng chói, tiếng ồn; thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh; thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh; tinh thần căng thẳng, lịch trình thất thường, mệt mỏi; đói khát; sử dụng thực phẩm có chứa tyrosine (như pho mát, sô cô la, dưa chua...), cà phê, rượu.

Bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình Chen Xinhong, chuyên gia phẫu thuật đau nửa đầu tại Bệnh viện Keelung Chang Gung Memorial Hospital, Đài Loan cho biết, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chứng đau nửa đầu có liên quan đến một chất dẫn truyền thần kinh có tên là CGRP (Calcitonin Gene Related Peptide). Chất này ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên, nếu nồng độ trong cơ thể cao là dấu hiệu báo trước cơn đau nửa đầu sắp đến.

Những người dễ bị đau nửa đầu

Theo dữ liệu của WebMD, nguy cơ bị đau nửa đầu có thể chia theo các yếu tố:

- Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu hơn nam giới.

Đau nửa đầu: Nguyên nhân, cách khắc phục bạn nên biết sớm để tránh bệnh trở nặng - 2

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu cao hơn nam giới (Ảnh minh họa).

- Độ tuổi: Với cả nam và nữ, độ tuổi dễ bị đau nửa đầu là khoảng 10 đến 40 tuổi. Bác sĩ Chen Renze chỉ ra rằng, mặc dù không thể chữa khỏi chứng đau nửa đầu nhưng tần suất của các cơn đau nửa đầu sẽ giảm dần theo độ tuổi. Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân, nhưng có thể suy đoán là do khả năng co và giãn mạch máu của người sau 40 tuổi không tốt như những người trẻ hơn, vì vậy tần suất đau nửa đầu sẽ giảm.

Tiền sử gia đình: Hầu hết những người có chứng đau nửa đầu đều có tiền sử gia đình mắc bệnh. Nếu cha hoặc mẹ bị đau nửa đầu thì 50% con cái cũng sẽ mắc phải. Nếu cả cha và mẹ đều bị đau nửa đầu, nguy cơ tăng lên 75%.

Các yếu tố khác: Thường là bệnh về thể chất và tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn giấc ngủ, động kinh, v.v.

Các phương pháp điều trị chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu thường có thể thuyên giảm nhờ các loại thuốc, tuy nhiên bạn không thể đợi đến khi cơn đau nửa đầu tấn công rồi mới dùng thuốc, cách này không mang lại hiệu quả mà còn khiến bạn cảm thấy khó chịu, ví dụ khi đầu bắt đầu đau, khát nước, mệt mỏi... hãy dùng thuốc giảm đau.

- Thuốc giảm đau: Bạn có thể mua ở các hiệu thuốc thông thường, thành phần bao gồm aspirin, acetaminophen, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, diclofenac hoặc caffeine.

Bác sĩ Chen Renze cho biết, nếu sử dụng một loại thuốc giảm đau không hiệu quả, bạn có thể cân nhắc dùng hai loại thuốc giảm đau là acetaminophen và thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), vì cơ chế giảm đau của hai loại thuốc này là khác nhau, vì vậy tác dụng giảm đau có thể tốt hơn.

Những loại thuốc giảm đau này không có khả năng gây ra bất kỳ gánh nặng thể chất nào, miễn là không sử dụng chúng hàng ngày và dùng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ.

- Thuốc phòng bệnh: Bác sĩ Chen Renze cho hay, khi thuốc giảm đau không thể làm giảm cơn đau, cơn đau kéo dài hơn 15 ngày trong một tháng, 8 ngày trong số đó là đau nửa đầu và tình trạng này kéo dài hơn 3 tháng, hãy sử dụng các loại thuốc phòng bệnh như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc chẹn beta và thuốc chẹn canxi.

- Các loại thuốc khác như ergot alkaloid và Triptans: Những loại thuốc này có thể làm co mạch máu để giảm đau nhưng chỉ được dùng khi có đơn của bác sĩ. Theo tiến sĩ Chen Renze, không nên lạm dụng chúng. Ví dụ, ergot alkaloid có tác dụng giảm đau tốt, nhưng tác dụng co mạch lại mạnh, ngoài ra với một số người khi sử dụng có thể bị đột quỵ hoặc tắc nghẽn tim mạch.

Đối với những trường hợp đau nửa đầu không đáp ứng tốt với thuốc, có thể cân nhắc phẫu thuật và tiêm thuốc. Tiến sĩ Chen Xinhong cho hay, nguyên nhân của chứng đau nửa đầu có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh CGRP. Hiện nay, có những phương pháp điều trị có thể ngăn chặn hoặc làm giảm sự dẫn truyền và nồng độ của CGRP, hoặc làm giãn cơ, tránh chèn ép dây thần kinh, giảm thời gian và tần suất các cơn đau nửa đầu:

- Tiêm botox: Làm giãn cơ để tránh chèn ép dây thần kinh ngoại vi và phong bế dây thần kinh để giảm nồng độ CGRP.

- Kháng thể đơn dòng: Làm giảm nồng độ của CGRP.

- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dây thần kinh ngoại biên: Loại bỏ mô và mạch máu chèn ép dây thần kinh.

Đau nửa đầu: Nguyên nhân, cách khắc phục bạn nên biết sớm để tránh bệnh trở nặng - 3

Đau nửa đầu là căn bệnh khá phổ biến và mọi người cần phải quan tâm sớm (Ảnh minh họa).

Làm dịu cơn đau nửa đầu nhờ bấm huyệt

Theo y học cổ truyển, chứng đau nửa đầu xảy ra ở cả hai bên đầu, thuộc kinh mạch gan mật, vì vậy căn nguyên khởi bệnh đau nửa đầu là do "gan dương thượng cang". Lương y Yang Shumei thuộc khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Beigang, Đại học Y Trung Quốc cho hay, các nguyên nhân phổ biến của chứng đau nửa đầu bao gồm: thiếu ngủ, căng thẳng quá mức, cảm xúc lên xuống thất thường.... 

Theo lời khuyên của lương y Yang Shumei, có thể xoa bóp 3 huyệt sau đây để ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm đau:

1. Huyệt hợp cốc

Đặt đường chỉ tay của đốt đầu tiên trên ngón cái lên hổ khẩu (khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ) của bàn tay còn lại, ấn đầu ngón cái xuống, đây chính là huyệt hợp cốc.

Hiệu quả: Theo y học cổ truyền, các vấn đề về đầu có thể được cải thiện bằng cách ấn vào huyệt hợp cốc. Xoa bóp huyệt hợp cốc có thể giúp giảm đau đầu, nhức mỏi mắt,...

2. Huyệt phong trì

Nằm ở hai bên gáy, chân tóc và các gân bên của cột sống, là điểm xuất phát của các cơ vùng cổ.

Công hiệu: Giúp đầu óc tỉnh táo, hoạt khí, giảm đau.

3. Huyệt thái dương

Nằm ở hai bên mặt, vùng lõm giữa đuôi mày và bờ ngoài của đuôi mắt.

Hiệu quả: Có thể điều trị các triệu chứng như nhức đầu, đau nửa đầu, nhức mỏi mắt...

Ngoài ra, còn có các cách làm giảm chứng đau nửa đầu khác như:

- Uống đủ nước.

- Chườm lạnh vùng trán và cổ.

- Tắm nước nóng để tăng tuần hoàn máu.

- Cách hiệu quả nhất là nằm nghỉ ngơi ở nơi có bóng tối và yên tĩnh.

7 thói quen tốt để ngăn ngừa cơn đau nửa đầu

Chúng ta cũng có thể giảm tần suất của chứng đau nửa đầu bằng những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày. Theo WebMD, các cách để ngăn chặn chứng đau nửa đầu gồm:

- Tìm ra nguyên nhân của chứng đau nửa đầu và phòng tránh nó. Tiến sĩ Chen Renze cho biết, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân ghi lại nhật ký đau đầu, thời điểm bị đau đầu và những việc đã làm trước khi đau đầu...

- Giảm căng thẳng bằng chánh niệm, thiền, yoga...

- Ăn uống điều độ, không bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều.

- Uống đủ nước.

- Ngủ đủ giấc.

- Thường xuyên tập thể dục với cường độ vừa phải. Tiến sĩ Yang Shumei khuyên rằng nên tập các môn thể dục mang tính thư giãn như chạy bộ, thể dục dụng cụ, yoga… hơn là tập các môn thể thao cường độ cao.

- Bỏ thuốc lá, cai rượu bia.

Khi nào đau nửa đầu nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế?

Nếu muốn kiểm tra và điều trị chứng đau nửa đầu, bạn có thể đến khám tại khoa thần kinh của bệnh viện. Nhìn chung, bệnh đau nửa đầu không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Chen Renze cho hay, chứng đau nửa đầu không gây ra u não hay bệnh Alzheimer, tuy nhiên nếu vị trí, tần suất và cường độ của các cơn đau đầu khác nhau hay đau đầu kèm theo các triệu chứng chân tay vô lực, nhìn một thành hai, nói lắp... thì nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Lan Hương(Nguồn: Commonhealth)
Bình luận
vtcnews.vn