Kể từ khi xung đột bước sang giai đoạn mới, Nga nhiều lần tuyên bố phá hủy vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/7 cho biết chỉ trong 2 tuần, nước này đã phá hủy 4 bệ phóng và một xe nạp đạn thuộc hệ thống HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Trong đó, hai bệ phóng bị phá hủy ở gần Malotaranovka, một bệ phóng và một xe nạp đạn bị loại bỏ ở Krasnoarmeysk. Bệ phóng thứ 4 bị tiêu diệt ở khu vực ngoại ô phía đông gần lãnh thổ của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng, TASS đưa tin.
Vài ngày trước đó, lực lượng Nga cũng đã phá hủy một kho chứa tên lửa chống hạm Harpoon do NATO viện trợ. "Một kho chứa tên lửa chống hạm Harpoon do các nước NATO cung cấp, tại một khu công nghiệp ở Odessa, đã bị phá hủy bằng tên lửa tầm xa chính xác cao của (Nga)", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, theo TASS.
Ông nói thêm rằng một bệ phóng HIMARS do Mỹ sản xuất và một phương tiện tiếp tế cũng bị phá hủy gần Krasnoarmeisk, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.
Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo và các chỉ huy quân sự Ukraine đang thúc ép Mỹ và đồng minh tăng tốc, mở rộng luồng vũ khí và đạn dược
Cần cả một "hệ sinh thái" để giúp đỡ Ukraine ở tiền tuyến, theo New York Times. Điều này thể hiện rõ trong quá trình vận chuyển lô lựu pháo 105 mm gần đây.
Cụ thể, Anh là bên cung cấp vũ khí, New Zealand cung cấp phụ tùng thay thế và huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng. Trong khi đó, Mỹ cung cấp đạn dược và chịu trách nhiệm vận chuyển lựu pháo đến căn cứ gần biên giới Ukraine.
Toàn bộ quá trình này được điều phối bởi hàng chục chuyên gia hậu cần quân sự, tập trung trong căn phòng gác mái lớn tại trụ sở Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, đặt ở thành phố Stuttgart, Đức.
Dù ít được biết đến, nhóm chuyên gia này giữ vai trò nòng cốt trong duy trì dòng vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine, đặc biệt khi nhu cầu ở tiền tuyến ngày càng phức tạp.
Hoạt động suốt ngày đêm
Trung tâm này vừa là cơ quan đăng ký nhận vũ khí, vừa hoạt động như một phiên bản quân sự của tập đoàn vận chuyển quốc tế FedEx.
Trong đó, các sĩ quan mặc quân phục từ hơn 20 quốc gia cố gắng kết nối yêu cầu của Ukraine với các lô hàng viện trợ từ hơn 40 nước, sau đó sắp xếp vận chuyển các chuyến hàng này bằng đường hàng không, đường bộ hoặc đường biển đến biên giới Ukraine. Tất cả diễn ra trong khoảng 72 giờ.
“Dòng (vũ khí) chảy không ngừng”, New York Times dẫn lại lời Chuẩn đô đốc R. Duke Heinz, Giám đốc hậu cần của Bộ Tư lệnh châu Âu, nói với nhóm phóng viên đến thăm trung tâm hậu cần vào tuần trước.
Khi xung đột dần tiến tới giai đoạn mới, giới lãnh đạo và các chỉ huy quân sự nước này đang thúc ép Mỹ và đồng minh tăng tốc, mở rộng luồng vũ khí và đạn dược.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III nói: “Ukraine cần hỏa lực và đạn dược để chống lại vũ khí Nga. Chúng tôi hiểu sự cấp thiết này. Chúng tôi đang nỗ lực duy trì và tăng cường hoạt động viện trợ”.
Và nhiệm vụ đó đang đè nặng lên vai những sĩ quan trong đơn vị của Đô đốc Heinz. Ông cho biết lực lượng này, chính thức được gọi là Trung tâm điều phối các nhà tài trợ quốc tế, đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ đáp ứng yêu cầu vũ khí của Kyiv.
Trong căn phòng ở Đức, các binh sĩ ngồi bên những chiếc bàn dài, gõ vào máy tính xách tay hoặc trao đổi qua tai nghe điện thoại với đồng nghiệp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Giống như phần lớn châu Âu phải hứng chịu đợt nắng nóng vào tuần trước, căn phòng áp mái này không có điều hòa, chỉ có vài cửa sổ mở để đón gió.
Trung tâm này bắt đầu hoạt động suốt ngày đêm từ tháng 3, với nhiệm vụ điều phối luồng vũ khí và thiết bị quân sự.
Cụ thể, Ukraine gửi yêu cầu thông qua cơ sở dữ liệu bảo mật. Sau đó, các sĩ quan quân đội xem xét danh sách này và xác định những gì đất nước họ có thể viện trợ mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cũng như xác định khả năng hỗ trợ đào tạo và vận chuyển.
Một tướng của Ukraine làm việc tại trung tâm có trách nhiệm giải đáp thắc mắc và nêu rõ ưu tiên của đất nước ông. Trung tâm cũng có thể cử nhóm kỹ thuật viên kiểm tra tình trạng của lô hàng viện trợ tiềm năng và giúp sắp xếp các thủ tục vận chuyển.
Sau khi tìm được lô hàng phù hợp với yêu cầu của Kyiv, các nhà điều phối tìm cách tốt nhất để phân phối lô hàng.
Khoảng 75% vũ khí viện trợ được gửi đến các căn cứ ở Ba Lan, nơi quân đội Ukraine nhận hàng và vận chuyển qua biên giới. Đô đốc Heinz từ chối tiết lộ hai quốc gia láng giềng khác cũng là địa điểm trung chuyển, với lý do lo ngại về an ninh.
Nhiệm vụ phức tạp
Các quan chức quân sự Mỹ và phương Tây cho biết trong gần 5 tháng, trung tâm này đã chuyển hơn 78.000 tấn vũ khí, đạn dược và thiết bị trị giá hơn 10 tỷ USD cho Ukraine.
Ở giai đoạn đầu, nhiều nước Baltic và Đông Âu đã viện trợ vũ khí và đạn dược theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, khi giao tranh kéo dài và dữ dội hơn, nguồn dự trữ đó dần cạn kiệt. Đô đốc Heinz cho biết một nhà máy ở châu Âu đang hoạt động 24/7 để chế tạo một số loại vũ khí theo tiêu chuẩn của Liên Xô, bao gồm cả đạn lựu pháo.
Mặc dù giới chức Mỹ và Ukraine đánh giá thấp khả năng vũ khí bị bòn rút trên thị trường chợ đen ở Ukraine, Đô đốc Heinz thừa nhận “họ không thể theo dõi khi chúng được chuyển qua biên giới”.
Các lô vũ khí ban đầu, bao gồm tên lửa phòng không vác vai Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, đã được chuyển đến Ba Lan bằng đường hàng không và nhanh chóng chuyển qua biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, với các vũ khí nặng và phức tạp hơn, các nhà điều phối phải thay đổi tuyến đường vận chuyển sang đường biển, đường sắt và xe tải.
Trung tâm cũng phải sắp xếp đào tạo cách sử dụng và bảo dưỡng vũ khí cho Ukraine trong ít nhất hai tuần. Khi Ukraine gặp sự cố, các điểm "sửa chữa từ xa" do trung tâm thiết lập có thể giúp kiểm tra tình trạng bảo dưỡng vũ khí.
Chương trình hỗ trợ toàn diện về trang bị, đào tạo và duy trì luồng vũ khí đặt ra ngày càng nhiều thách thức với trung tâm điều phối.
“Đó chắc chắn là một nhiệm vụ phức tạp hơn”, Christopher King, sĩ quan Anh làm việc ở trung tâm, cho biết.
Trong khi đó, Đô đốc Heinz tiết lộ ngoài các vũ khí và đạn dược mà Lầu Năm Góc đã công bố vào tuần trước, trong vòng viện trợ thứ 16 kể từ tháng 8/2021, hai chuyến hàng khác đang được chuẩn bị.
Đô đốc Heinz cũng cho rằng các đồng minh đang ủng hộ một cách vững chắc cho Ukraine.
“Tôi không thể biết người Ukraine định nghĩa thế nào về chiến thắng, điều đó phụ thuộc vào Tổng thống Volodymyr Zelensky và người dân Ukraine. Nhưng Mỹ, các đồng minh và đối tác sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi ông (Zelensky) nói với chúng tôi rằng ông ấy không cần bất kỳ sự trợ giúp nào nữa", ông nói.
Bình luận