• Zalo

Các bên muốn gì trong xung đột Nga - Ukraine?

Tư liệuThứ Sáu, 29/07/2022 10:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 4 tháng vẫn chưa có hồi kết, câu hỏi nhận được quan tâm giờ đây là các bên liên quan muốn gì ở cuộc khủng hoảng này.

Cục diện trên thực địa vẫn chưa ngã ngũ, xung đột Nga - Ukraine hiện không chỉ liên quan trực tiếp đến hai quốc gia này mà còn dính líu đến loạt nước khác. Hệ lụy từ xung đột lan rộng trên phạm vi toàn cầu khi khiến lạm phát liên tục lập kỷ lục, châu Âu ngấm đòn từ khủng hoảng năng lượng, trong khi nhiều quốc gia khác đối mặt nguy cơ suy thoái…

Có thể nói, ngoài Nga và Ukraine đóng vai trò nhân vật chính, xung đột giữa hai nước này còn phải kể đến sự can dự mạnh mẽ của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, Anh, EU… Toan tính của Moskva và Kiev, cũng như ý đồ của Washington và đồng minh được cho là nguyên nhân khiến cho xung đột kéo dài nhùng nhằng, chưa thể kết thúc.

Nga thay đổi chiến thuật

Khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, điện Kremlin đưa ra các mục tiêu rất rõ ràng và nêu điều kiện kết thúc chiến dịch quân sự nếu phía Kiev đáp ứng. Đó là Nga muốn Ukraine ngừng các hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, thừa nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, đồng thời công nhận độc lập cho các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền đông Ukraine (Donbass).

Các bên muốn gì trong xung đột Nga - Ukraine? - 1

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 5 tháng chưa có hồi kết. (Ảnh: AP)

Đây được xem là yêu cầu cốt lõi của phía Nga. Moskva xem việc Ukraine đưa ra lộ trình gia nhập NATO sẽ là mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng so sánh sự mở rộng của khối quân sự này chẳng khác nào Nga đặt tên lửa ở Canada hoặc Mexico - những nước có chung biên giới với Mỹ.

Theo truyền thông phương Tây, ban đầu Nga muốn chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ kết thúc nhanh chóng với việc quân Nga có thể tiến vào Kiev, kiểm soát toàn bộ Ukraine. Tuy nhiên, sức kháng cự của Kiev cũng như quân đội Ukraine đã kìm chân quân Nga, buộc Moskva phải đổi chiến thuật và các mục tiêu quân sự trên đất Ukraine.

Theo đó, từ “đánh nhanh, thắng nhanh”, Nga dần chuyển sang “đánh chậm, thắng chắc”. Và mục tiêu giờ đây của Nga là kiểm soát khu vực miền Đông của Ukraine. Nga đã hoàn tất kiểm soát lãnh thổ tỉnh Lugansk và đang đà tiến công tại Donetsk, khoảng 60% diện tích tỉnh này nằm dưới sự kiểm soát của Moskva. Chưa hết, Nga cũng duy trì kiểm soát phần lớn diện tích hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia ở phía nam, cũng như một phần tỉnh Kharkov ở phía đông.

Có lẽ, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ chưa có hồi kết nếu như Moskva chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Đàm phán giữa Moskva và Kiev vẫn dậm chân tại chỗ, hai bên liên tục nêu các điều kiện nối lại đối thoại song cả Nga và Ukraine đều thừa nhận rằng cánh cửa để họ ngồi lại cùng nhau là xa vời bởi mục tiêu của mỗi bên là khác nhau.

Bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine là vậy, song nếu nhìn sâu xa, việc Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine không chỉ đơn thuần như những lý do mà nước này tuyên bố. Đằng sau đó, cái lớn hơn, Nga muốn thông qua chiến dịch quân sự này để “dằn mặt”, phát đi lời cảnh báo đanh thép đối với Mỹ và đồng minh, cụ thể ở đây là NATO.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh sự mở rộng của NATO đe dọa Nga và việc Ukraine gia nhập khối quân sự này là “lằn ranh đỏ”. Và Moskva muốn đánh “đòn phủ đầu”, dập tắt hy vọng gia nhập NATO của Ukraine, đồng thời tuyên bố sẵn sàng thay đổi trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây dựng lên.

Rõ ràng, những gì diễn ra thời gian qua cho thấy lãnh đạo Nga không nói suông và nước này đã có sự chuẩn bị từ lâu cho cuộc xung đột hiện nay. Do đó, Moskva từng bước chiếm lợi thế trên thực địa chiến trường Ukraine cũng như thay đổi cách nhìn nhận của phương tây đối với nước Nga.

Ukraine sẽ 'không cúi đầu'

Ukraine được cho là bên bị động, chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Bởi nước này là chiến trường, mục tiêu cho chiến dịch quân sự của Nga. Hơn ai hết, chính quyền Kiev hiểu rõ tại sao họ phải hứng chịu hành động quân sự từ Moskva.

Dù chiến sự đang diễn ra khốc liệt, sức ép từ Nga ngày càng gia tăng song Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ "không cúi đầu" và quyết tâm giành thắng lợi trước Nga, ông khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ mục tiêu của mình, tập hợp nhiều sự ủng hộ nhất có thể cho Ukraine, sẵn sàng làm mọi thứ để gây thiệt hại lớn nhất có thể cho Moskva.

Tổng thống Ukraine nhấn mạnh nước này sẽ không chấp nhận ngừng bắn với Moskva nếu Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine.

Quân đội Ukraine vẫn đang kiên cường chống đỡ những đợt pháo kích của Nga, và đang cố gắng chuyển từ phòng thủ sang phản công nhờ vào các loại vũ khí hạng nặng được Mỹ và phương Tây viện trợ. Ukraine cũng đang cho thấy họ có năng lực gây sức ép cho Nga tại các khu vực mà Moskva kiểm soát như Kherson hay Zaporizhzhia.

Các bên muốn gì trong xung đột Nga - Ukraine? - 2

Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine được cho là nguyên nhân khiến xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

Đến nay, thiệt hại tổng thể của Nga và Ukraine chưa được tiết lộ, song giới chuyên gia quân sự cho rằng cả hai đã hứng chịu những tổn thất đáng kể về người và của.

Trong cuộc khủng hoảng, dù vẫn lớn tiếng tuyên chiến và chưa chịu “buông súng” song xét về thực lực thì Ukraine khó cầm cự lâu dài được so với Nga. Kiev đang dựa dẫm vào nguồn vũ khí viện trợ trợ từ phương Tây để đối chọi với Nga. Thế nhưng, phương Tây cũng khó lòng “bơm” vũ khí khi cuộc chiến này kéo dài.

Mỹ - ‘ngư ông đắc lợi’

Mỹ không đối đầu quân sự trực diện với Nga trên chiến trường, về mặt địa lý lại cách xa tâm điểm chiến sự Nga - Ukraine và Washington là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiều chuyên gia nhận định, xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, Mỹ sẽ tiếp tục “hái quả ngọt”.

Trước hết, xét về góc độ kinh tế, dù kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nhất định do hệ lụy từ chiến Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng... song bù lại Mỹ đang thu lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu bằng việc cung cấp dầu và khí hóa lỏng (LNG) cho khu vực này.

Châu Âu đã vượt qua châu Á để trở thành khu vực nhập khẩu dầu của Mỹ lớn nhất lần đầu tiên sau 6 năm. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, châu Âu nhập trung bình khoảng 213,1 triệu thùng dầu thô của Mỹ trong khi châu Á nhập 191,1 triệu thùng.

Trong tháng 6, khối lượng khí LNG từ Mỹ vận chuyển sang EU nhiều hơn lượng khí đốt của Nga vận chuyển bằng đường ống sang lục địa này. Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol, lần đầu tiên, EU mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ nhiều hơn khí đốt tự nhiên vận chuyển bằng đường ống từ Nga.  

Không chỉ dần trở thành nhà cung cấp dầu và khí đốt quan trọng bậc nhất cho châu Âu, Washington cũng được hưởng lợi từ việc giá dầu và khí đốt liên tục lập đỉnh.

Việc tăng cường nhập khẩu LNG của Mỹ diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hồi tháng 3, EU đã đồng ý mua thêm 15 tỷ mét khối LNG của Mỹ trong năm nay nhằm hạn chế mua khí đốt của Nga. EU muốn thay thế 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga bằng LNG từ nhiều nguồn khác nhau trong năm 2022.

Về quân sự, chiến sự tại Ukraine cũng là dịp tốt để Washington quảng bá về các khí tài hiện đại, tiên tiến của nước này. Từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với tổng trị giá khoảng 7 tỷ USD.

Ngoài việc “chào hàng” các loại vũ khí của mình, Mỹ cũng muốn tránh bị nghi ngờ là quay lưng với Ukraine và mất uy tín với các đồng minh, nhất là trong bối cảnh Washington bị chỉ trích bỏ rơi các đối tác ở Trung Đông.

Mỹ có nhiều lý do để tiếp “đạn” cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Thế nhưng, một số nhận định cho rằng những lý do trên chỉ là nhìn bề ngoài, còn xét sâu xa, Mỹ muốn chiến sự kéo dài. Bởi một khi xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn, Moskva sẽ phải dồn sức lực cho cuộc chiến này, và sức ép từ quốc tế gia tăng, đẩy Nga vào thế cô lập.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để Washington xốc lại đội hình với đồng minh châu Âu, thúc đẩy gắn kết với đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với chính sách “nước Mỹ trên hết” trong bốn năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ - EU chứng kiến những rạn nứt sâu sắc. Chiến sự tại Ukraine là cơ hội để Tổng thống Joe Biden thể hiện cam kết đưa “nước Mỹ trở lại”, ưu tiên gắn kết quan hệ với các đồng minh châu Âu để đối chọi với Nga.

Các bên muốn gì trong xung đột Nga - Ukraine? - 3

Châu Âu gặp khó khi lệ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. (Ảnh: Financial Times)

‘Canh bạc’ của EU

Xung đột Nga - Ukraine đang đẩy châu Âu vào vòng xoáy khủng hoảng khi phải đối mặt với loạt thách thức chưa có lời giải. Châu Âu giờ đây đầy rẫy những bất ổn, khó khăn chồng chất khó khăn từ làn sóng tị nạn mới từ Ukraine, khủng hoảng năng lượng do hậu quả từ các đòn trừng phạt Nga, cho đến lạm phát tăng cao kỷ lục, và biểu tình bùng phát ở nhiều quốc gia.

Tiếp bước Mỹ, EU liên tục tung ra các đòn trừng phạt mạnh tay với quy mô chưa từng có đối với Nga. Đến nay, liên minh này đã áp đặt 7 đợt trừng phạt lên Moskva. Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới với hơn 8.000 lệnh cấm vận. Mục tiêu của phương Tây rất rõ ràng, muốn gây tổn thất lớn, thậm chí là làm kiệt quệ đối với kinh tế Nga.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt Nga mà EU đang thực thi dường như là “con dao hai lưỡi”. EU là bên chịu nhiều tổn thất khi cấm vận Nga. Mối lo ngại lớn nhất với nền kinh tế các quốc gia châu Âu lúc này chính là việc tiếp cận năng lượng. Châu Âu lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các biện pháp trừng phạt cứng rắn vì cuộc chiến ở Ukraine, khiến EU rơi vào một cú sốc lớn.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu Nga khóa van hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu, những quốc gia dễ tổn thương như Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Trong khi đó, giới quan sát nhận định, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, dự báo có thể mất 220 tỷ euro trong 2 năm tới.

Trong tháng 6, lạm phát hàng năm ở châu Âu đã tăng lên 9,6%. Con số này cũng đạt 8,6% ở 19 nước sử dụng đồng euro. Các nhà kinh tế học cảnh báo một cuộc suy thoái có thể xảy ra ở châu Âu cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Erik Nielsen, Trưởng nhóm cố vấn kinh tế tại ngân hàng UniCredit của Italy, dự báo châu Âu có thể rơi vào suy thoái trong mùa Đông.

Dù vậy, EU vẫn đồng hành, hưởng ứng kêu gọi của Mỹ để tiếp tục tiếp viện vũ khí cho Ukraine đối phó Nga. Tới thời điểm hiện tại khối đã viện trợ quân sự cho Ukraine số tiền lên đến 2,5 tỷ euro (2,5 tỷ USD). Nhiều quốc gia EU đang báo động về khả năng có thể cạn khí tài quân sự nếu tiếp tục viện trợ Ukraine.

Rõ ràng, EU đang đặt cược cho ván bài chưa có hồi kết trong xung đột Nga - Ukraine. Dù biết can dự vào cuộc khủng hoảng này là “canh bạc” khi châu Âu dần ngấm đòn từ lệnh trừng phạt Moskva, song EU cũng không có nhiều lựa chọn, không thể để mặc Ukraine cũng như khó tách rời khỏi quỹ đạo mà Washington đã dựng nên đối đầu với Nga.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp