Người xưa quan niệm rằng, các hoạt động vào ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến vận hạn của cả năm đó. Điều này dẫn đến sự hình thành hàng loạt kiêng kỵ mà nhiều người áp dụng để cả năm được may mắn, tránh xa rủi ro.
Dưới đây là những điều kiêng kỵ năm mới mà người Việt vẫn áp dụng. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, không phải điều nào cũng còn được áp dụng, mọi người thực hành những kiêng kỵ này như thói quen, tập quán văn hóa hơn là mê tín.
Kiêng quét nhà, đổ rác
Trước ngày 30 Tết, các gia đình dồn sức cho “cuộc chiến dọn nhà” để không phải quét dọn, đổ rác trong 3 ngày đầu năm. Người ta cho rằng, ngày đầu năm dọn dẹp chính là dọn “lộc” và đuổi tiền tài ra khỏi nhà. Nhưng trên thực tế, các gia đình đón tiếp khách, tổ chức ăn uống nhiều nên không thể không quét dọn hay đổ rác. Vì thế, nhiều nhà nghĩ ra mẹo là vẫn quét nhưng không hất ra cửa mà gom về phía trong để mất lộc, hoặc quét dồn vào một chỗ, sau 3 ngày Tết mới hốt đổ đi.
Kiêng khóc lóc
Người xưa có tục kiêng những chuyện buồn ngày đầu năm, có tang thì cũng cất khăn tang 3 ngày Tết; nếu có người mất vào 30 Tết thì cũng kiêng không phát tang mà để sau một vài ngày. Người có tang cũng hạn chế sang nhà khác chúc Tết hay xông đất.
Một điều kiêng kỵ năm mới quan trọng là kiêng khóc lóc, cố gắng hạn chế trẻ con khóc đầu năm. Trên thực tế, khi có người khóc lóc, đau buồn hay người có tang đến nhà, không khí buồn bã tiêu cực sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chủ nhà.
Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng
Ông cha ta quan niệm, ngày đầu năm nên kiêng kỵ làm đổ vỡ các đồ dùng như ấm chén, bát đĩa vì đổ vỡ là hình thức gây ra sự chia lìa, tan nát. Vì thế, khi rửa hay sử dụng bát, đĩa, mọi người đều phải cần cẩn trọng hơn.
Kiêng cho nước, lửa
Người Việt tin rằng lửa mang lại may mắn trong ngày đầu năm, nên chỉ đi xin chứ không cho. Nước cũng được coi như tài lộc, nên người xưa cũng kiêng cho nước trong 3 ngày đầu năm vì sợ mất lộc, mất tiền tài. Do đó mới có phong tục mọi người đến đình chùa xin "lộc"... với hy vọng gia đình mình cả năm được may mắn.
Kiêng tranh cãi, bất hòa
Người xưa quan niệm rằng, đầu năm mọi người nên niềm nở, giữ hòa khí để không khí ngày Tết được vui vẻ. Vào dịp này, mọi người đều bỏ qua, xí xóa bất đồng hay xích mích, nếu chưa bỏ quan được thì cũng kiềm chế không gây sự. Ngày Tết, trẻ con nghịch ngợm, phạm lỗi cũng dễ được tha thứ hơn.
Kiêng vay, cho vay
Đi vay đầu năm được cho là sẽ gây túng thiếu cả năm, còn cho vay sẽ khiến tiền bạc phân tán, do đó người ta có xu hướng kiêng đi vay, cho vay cũng như đòi nợ đầu năm. Trong năm mới, kể cả có việc gấp, người ta cũng có xu hướng tránh giục, đòi hoàn thành ngay vì cho rằng điều này sẽ đem lại sự xui xẻo.
Để hũ gạo rỗng
Trong phong thuỷ, những vật chứa mang ý nghĩa tốt lành, vận may thì không được để trống rỗng hay gần hết vào những ngày Tết. Vì thế, các bà nội trợ thường chú ý đổ đầy hũ gạo trước đêm giao thừa, dùng hũ gạo sâu (tượng trưng cho sự no đủ) để tránh những điều xui xẻo và cho gia đình một năm kinh tế dồi dào.
Về cơ bản, những kiêng kỵ đầu năm kể trên chỉ là quan niệm trong dân gian, tuy hiện nay vẫn khá phổ biến ở nhiều nơi nhưng không quá áp đặt và gò bó như xưa.
Bình luận