Sức tàn phá của sóng thần
Vì nhiều lý do mà người ta không thể dự đoán được sự xuất hiện của sóng thần sau những trận động đất ngoài đại dương. Thông thường, nếu động đất xảy ra, các nhà khoa học không thể biết ngay tác động của nó đối với đáy đại dương, mà phải chờ vài giờ sau đó. Ngoài ra con người không thể phát hiện sóng thần nếu chúng ta ở giữa đại dương, bởi chúng chỉ thể hiện sức mạnh khi tới gần bờ.
Đối với sóng thần, thời gian giữa các sóng kế tiếp có thể là 10 phút, có trường hợp đến 2 giờ đồng hồ và bước sóng có thể đạt 500km. Sóng thần di chuyển với tốc độ rất nhanh, có thể tới 890km/h ở vùng biển sâu 6100 m. Nó có thể đi xuyên qua Thái Bình Dương chỉ trong vòng chưa đầy một ngày. Những đợt sóng thần cao hàng chục mét có thể nhấn chìm mọi thứ nó đi qua.
Bên cạnh đó, sóng thần có thể gây lũ lụt lan sâu vào trong đất liền đến 305m, thậm chí xa hơn, nước và các mảnh vụn bao phủ cả vùng rộng lớn. Lũ do sóng thần gây ra có xu hướng cuốn trôi sinh mạng và tài sản ra phía đại dương.
Ngày 26/12/2004, động đất 9,2 độ Richter tại Ấn Độ Dương tạo ra sóng thần tràn vào 14 quốc gia và cướp sinh mạng của hơn 225.000 người. Sóng cao tới 30m tàn phá cộng đồng dân cư ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và các quốc gia lân cận khác.
Ngày 10/2/2014, Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật xác nhận 15.884 người thiệt mạng, 6.148 người bị thương và 2.633 người mất tích, 127.290 ngôi nhà bị tàn phá. China.org.cn xếp thiên tai này ở vị trí thứ 2 trong 10 trận sóng thần tàn phá thảm khốc nhất từ đầu thế kỷ 20 tới nay.
Nhận biết sóng thần
Dù không thể dự đoán được sóng thần một cách chính xác, nhưng theo các nhà khoa học vẫn có những dấu hiệu để nhận biết một đợt sóng thần sắp xảy ra khi chúng ta ở gần biển.
Thứ nhất, cần chú ý theo dõi tin tức về động đất, không chỉ ở khu vực mình đang ở mà cả ở những khu vực khác. Sóng thần có thể tạo nên bởi những trận động đất cách xa hàng ngàn dặm.
Thứ hai, nên chú ý âm thanh lạ, vì những người sống sót sau các trận động đất nói rằng họ nghe thấy âm thanh như tiếng tàu chở hàng.
Thứ ba, khi thấy nước rút nhanh và bất ngờ trong thời gian không phải thủy triều xuống, cần chạy nhanh lên bờ. Nước rút nhanh là dấu hiệu của sóng thần. Nhiều người chết trong trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 là do họ đi ngắm bờ biển khi nước rút xuống nhanh.
Thứ tư, đợt sóng đầu tiên của trận sóng thần không phải đợt sóng nguy hiểm nhất. Vì vậy, nên tránh xa biển cho đến khi chính quyền thông báo tình hình ổn định. Đừng cho rằng sóng thần ở các địa điểm là như nhau mà nó còn có thể vào tận các con sông và suối nối với biển.
Thứ năm, nếu linh cảm thấy sóng thần sắp xảy ra thì chúng ta nên tránh xa vùng biển, đừng đợi đến khi có thông báo chính thức của cơ quan chức năng, vì sóng thần thực sự xuất hiện chỉ khoảng 5 phút sau dấu hiệu đầu tiên.
Cần làm gì để ứng phó với sóng thần?
Trước khi sóng thần xảy ra:
Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sóng thần hoặc quan tâm đến các cảnh báo sóng thần hiện có ở địa phương của bạn.
Phải biết những khu đất cao hoặc khu vực an toàn và các tuyến đường di tản gần nơi chúng ta đang sống để chạy đến những khu vực này trong trường hợp có sóng thần.
Bản thân mỗi người nên tự học bơi và vận động gia đình cùng học bơi. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn các dụng cụ cứu hộ như là phao cứu sinh hoặc áo phao và cất giữ ở những nơi dễ dàng tiếp cận.
Biết cách tắt gas, điện, nước một cách nhanh nhất. Chia sẻ với các thành viên trong gia đình của mình, bạn bè và đồng nghiệp để biết cách chạy thoát nhanh nhất để tự cứu mình nếu sóng thần xảy ra.
Tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng để biết cách chủ động chuẩn bị và ứng phó với thảm họa sóng thần. Sau đó, tổ chức tập huấn trong cộng đồng các bài tập ứng phó khẩn cấp.
Nếu có thể nên bố trí giường ngủ của người già, người tàn tật ở một nơi gần lối thoát để họ có thể được sơ tán nhanh chóng.
Trồng thêm hoặc duy trì rừng ngập mặn, cây thích hợp dọc theo các khu vực ven biển, hoặc xây dựng các rào cản như đê chắn sóng. Nếu ở khu vực gần biển cần xây dựng các tòa nhà dọc theo bờ biển chống sóng thần. (Xây nhà với cạnh dài nằm dọc theo đường đi của sóng thần có tác dụng chịu lực va chạm của sóng).
Trong khi sóng thần xảy ra:
Chạy đến một khu vực cao và an toàn ngay lập tức (vùng đất cao trên 15 m, cách bờ biển ít nhất 1 km ). Đừng cố gắng để cất giữ bất kỳ đồ đạc trong nhà của bạn. Nếu bạn không thể chạy trốn đến một nơi an toàn hãy leo lên một cây to khỏe gần đó hoặc chạy lên đỉnh của một tòa nhà.Ở khu vực an toàn trong vài giờ bởi vì con sóng thần cao hơn có thể đến. Không ở trong xe vì nó có thể bị những con sóng cuốn đi.
Nếu bạn đang ở trên thuyền đi ra biển thì đừng trở vào bờ biển hãy ở ngoài vùng biển cho đến khi những con sóng đã chấm dứt. Nếu bạn đang trên một chiếc thuyền tại bến cảng và không có thời gian để chạy ra biển thì để lại thuyền và chạy đến một nơi an toàn.
Nếu bạn đang bị chặn bởi sóng thần, hãy bơi nhanh như bạn có thể. Tìm một cái gì đó nổi, leo lên nó và bạn có thể bám vào nó thật chắc.
Sau khi sóng thần xảy ra:
Trợ giúp người dân bị thương hoặc bị mắc kẹt trong tòa nhà và nếu có thể, cấp cứu cho những người bị thương. Nếu bạn không bị thương việc đầu tiên hãy đến trung tâm di tản gần nhất để giúp đỡ trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người tàn tật.
Một khi đã an toàn, hãy về nhà và kiểm tra tình trạng thiệt hại đã ảnh hưởng đến ngôi nhà của bạn. Kiểm tra nguồn hàng thực phẩm và nước uống. Thực phẩm và nước bị ảnh hưởng bởi nước lũ không nên dùng nữa vì nó có thể bị ô nhiễm và sẽ là một nguy cơ cho sức khỏe của bạn.
Tham gia làm sạch môi trường và khôi phục lại cuộc sống của người dân nếu có thể. Hãy tham gia dọn dẹp các tuyến đường và các mảnh vỡ, xây dựng lại nhà ở và các công trình công cộng.
>>> Đọc thêm: Video: Ban nhạc Indonesia bị sóng thần tấn công khi đang biểu diễn
Bình luận