Bệnh hen suyễn còn được biết đến với một cái tên khác là bệnh hen phế quản. Đây là một dạng bệnh lý mạn tính liên quan đến hệ hô hấp.
Khi những cơn hen suyễn bắt đầu xuất hiện phần niêm mạc của ống phế quản sẽ có dấu hiệu sưng, bị viêm nhiễm và rất dễ bị kích ứng. Những tác động như sự co thắt hay viêm nhiễm khiến những đường dẫn khí dần dần bị thu hẹp lại. Vì vậy, lưu lượng không khí trao đổi ở phổi cũng sẽ bị giảm đi đáng kể.
Khi chứng phù nề ngày càng nghiêm trọng hơn thì đường ống dẫn khí cũng sẽ thu nhỏ lại. Khi đó, người bệnh cũng sẽ đối diện với những triệu chứng như khò khè hay khó thở cực kỳ khó chịu.
Triệu chứng
- Ho nhiều (đặc biệt là vào buổi khuya hoặc sáng sớm).
- Khi thở có tiếng khò khè hoặc tiếng rít.
- Hụt hơi.
- Có cảm giác đau, tức ngực hoặc nặng ngực.
- Khó ngủ do khó thở.
Thông thường, chứng bệnh hen suyễn xuất hiện do những căn bệnh nhiễm trùng ví dụ như bệnh viêm xoang, bệnh cảm lạnh hoặc chứng bệnh cúm. Những tác nhân gây nên tình trạng dị ứng ví dụ như phấn hoa, các loại nấm mốc, lông chó, mèo hoặc bụi mịn,...
Ngoài ra, là do các hoạt chất có khả năng gây kích ứng như nước hoa, dung dịch vệ sinh hoặc các loại hóa chất; môi trường không khí bị ô nhiễm; do nhiệt độ lạnh hoặc thời tiết đột ngột thay đổi (điển hình như độ ẩm).
Chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể là nguyên nhân khiến những cơn hen suyễn xuất hiện…
Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec khuyến cáo, khi nhận thấy bản thân xuất hiện một số dấu hiệu, triệu chứng của bệnh hen suyễn, bạn cần đến tìm bác sĩ ngay lập tức.
Thông qua những triệu chứng, tiền sử bệnh án cùng với một vài bài kiểm tra, bác sĩ có thể xác định được bạn có đang mắc phải chứng bệnh này hay không.
Phòng bệnh
Cho đến hiện tại, vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể có thể điều trị khỏi hoàn toàn được chứng bệnh hen suyễn. Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh và hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể áp dụng một số giải pháp để hạn chế và phòng ngừa bệnh như tránh tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng khiến những cơn hen suyễn xuất hiện; thường xuyên rèn luyện, tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe; đảm bảo cân nặng ở mức phù hợp; tập luyện những bài tập thở nhằm hạn chế những triệu chứng hen suyễn và cũng là cách để hạn sử dụng thuốc ít hơn. Người bệnh có thể tập luyện yoga, châm cứu, bổ sung thêm vitamin C để nâng cao sức đề kháng...
Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện trước với bác sĩ điều trị của mình về cách thức chữa trị và phòng bệnh tại nhà. Điều này nhằm giúp bạn xác định được tình trạng bệnh hiện tại của mình có phù hợp với phương án chữa trị này hay không.
Lưu ý, bạn không nên tự ý áp dụng các phương pháp điều trị khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ để tránh làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bình luận