Viêm phổi cấp là tình trạng các phế nang phổi bị nhiễm khuẩn gây viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ hô hấp với mức độ phát triển nhanh. Bệnh thường có diễn biến phức tạp, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí thiệt mạng.
Viêm phổi cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có: nhiễm bệnh do vi khuẩn, virus; do suy giảm miễn dịch; cúm A H5N1; trào ngược dạ dày…
Ngoài những nguyên nhân chủ yếu trên thì những tác nhân như: khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất, nấm mốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt không đúng cách… cũng tạo điều kiện bệnh viêm phổi cấp hình thành và phát triển.
Dấu hiệu nhận biết
Theo các chuyên gia, viêm phổi cấp là bệnh đặc biệt nguy hiểm. Bởi những dấu hiệu ban đầu của bệnh thường rất âm thầm và dễ nhầm lẫn sang những căn bệnh khác. Đến khi phát hiện bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, khó khăn cho điều trị. Đặc biệt là lứa tuổi trẻ em và người già, khi mắc viêm phổi cấp nguy hiểm hơn do hệ miễn dịch kém, khó chống lại những tác nhân gây bệnh.
Thông thường, những dấu hiệu của bệnh viêm phổi cấp thường chia ra làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Giai đoạn này người bệnh thường bị cúm, cảm lạnh, có dịch mũi, ho nhiều, hắt hơi, người khó chịu, mệt mỏi, kèm sốt nhẹ.
- Giai đoạn giữa: Sau khi giai đoạn đầu không được điều trị, người bệnh mắc viêm phổi cấp tiếp tục tiến vào giai đoạn thứ hai. Lúc này, người bệnh bắt đầu ho nhiều hơn, có đờm, ho kèm máu, đau tức ngực, khó thở, sốt cao, thở nhanh, buồn nôn, tiêu chảy, mất dần nhận thức và hôn mê…
- Giai đoạn cuối: Bệnh nhân ở giai đoạn này thường rất nặng, do vi khuẩn và virus bắt lan rộng ra các thùy phổi gây khó thở, đờm mủ, viêm màng tim, sốt dai dằng, tím môi, mạch nhanh hoặc khó bắt, tràn mủ ngoài màng phổi, áp xe phổi, hoại tử, có thể dẫn đến thiệt mạng.
Điều trị viêm phổi cấp thế nào?
Hiện các bác sĩ thường áp dụng các biện pháp như: Dùng thuốc giảm triệu chứng, thuốc chữa viêm phổi và dùng kháng sinh kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tốt nhất để hạn chế tác hại của viêm phổi cấp là tránh sự lây lan và nhiễm bệnh.
Người dân cần phòng bệnh viêm phổi cấp bằng các biện pháp như:
- Vệ sinh thân thể, nơi ở sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại hay khói bụi.
- Mùa lạnh cần chú ý giữ ấm cơ thể, nên tắm nước ấm, ở nơi kín gió, tránh bị nhiễm lạnh.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhiều rau củ, quả, trái cây và các món ăn nhiều đạm, xơ, khoáng chất để tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể trạng, đặc biệt là những bài hít thở sâu.
- Những người đang mắc bệnh về tai, mũi, họng cần điều trị sớm, dứt điểm để tránh biến chứng.
- Khi có những dấu hiệu như ho, sốt nhẹ, cúm, tiêu chảy… nghi bị viêm phổi cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được chữa trị kịp thời, tránh để bệnh tiển triển, ảnh hưởng tới sức khỏe và nguy hiểm tính mạng.
Bình luận