Cơn đau hạ sườn trái thường bắt đầu với cảm giác đau phía trước, nhưng đôi khi đau cả phía ở sau. Có những cơn đau hạ sườn trái chỉ xuất hiện một lần, hai lần hoặc trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đau kéo dài bị âm ỉ nhiều ngày. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý mà bạn gặp phải như:
Đau dây thần kinh liên sườn
Khởi đầu cơn đau thường bắt đầu từ một điểm, sau đó lan dọc theo hướng đi của xương sườn, đau nhói, giật, sau đó vùng đau lan sang các khu vực xương sườn khác.
Nếu đau dây thần kinh liên sườn, bạn không cần quá lo lắng vì bệnh sẽ không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe. Bạn chỉ cần đi thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định sử dụng một số thuốc giảm đau, chống viêm, và một số thuốc hỗ trợ khác trong khoảng thời gian 2 tuần bệnh sẽ đỡ và các triệu chứng trên sẽ không còn.
Viêm dạ dày – đại tràng
Thường thì cơn đau sẽ xuất hiện tại một điểm bên trái, đau nhói, sau đó lan sang các khu vực xung quanh. Đặc biệt, người bệnh sẽ cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, ợ chua, đau bụng kèm sút cân không rõ nguyên nhân, đại tiện phân thay đổi lúc rắn, lúc nát, có thể có lẫn máu và chất nhầy trong phân, cảm giác mót đại tiện mặc dù vừa mới đi xong.
Viêm dạ dày có thể gây loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày và thậm chí viêm dạ dày kéo dài có thể gây ung thư dạ dày. Do đó, nếu có biểu hiện đau hạ sườn trái kèm theo triệu chứng trên, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời.
Hội chứng ruột kích thích
Các cơn đau hạ sườn trái thường sẽ nhói trong một khoảng thời gian rất ngắn, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu ở bụng như tức bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nhưng các triệu chứng này sẽ đỡ hơn sau khi người bệnh đi đại tiện xong.
Viêm tụy
Khi bị viêm tụy người bệnh thường có biểu hiện đau và cảm giác sưng ở vùng bụng phía bên trái, đau có thể xuyên ra sau lưng, sốt , buồn nôn, nhịp tim đập nhanh. Khi đó bạn nên đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp xử trí kịp thời tránh gây nguy hiểm.
Đau hạ sườn trái cảnh báo sỏi thận
Thường thì sỏi thận trái sẽ gây ra các cơn đau vùng hạ sườn phía bên trái, khi này người bệnh sẽ cảm thấy đau ở cả vùng bụng và lưng, đau khi đi tiểu, nước tiểu có thể có máu. Nếu sỏi thận lâu không được điều trị có thể gây hư thận, suy thận, viêm đường tiết niệu gây thận ứ nước, mất chức năng thận và có thể phải cắt bỏ thận nếu không điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận trái có thể gây đau ở vùng bụng trên bên trái. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng thận có thể gồm đau vùng hạ sườn trái kèm theo sốt, đi tiểu thường xuyên, đau khi đi tiểu, đau ở lưng và háng, nôn hoặc buồn nôn.
Nhiễm trùng thận có thể nguy hiểm, vì vậy người có các triệu chứng trên nên đi khám bác sĩ ngay, để điều trị bằng kháng sinh hoặc có thể can thiệp ngoại khoa ngay khi cần thiết.
Đau hạ sườn trái do bệnh phụ khoa
Một số bệnh lý phụ khoa cũng có thể là nguyên nhân gây đau hạ sườn trái, chẳng hạn như:
Phụ nữ có thể bị đau hạ sườn trái vào thời điểm trứng rụng, thường là khoảng giữa hai kỳ kinh. Cơn đau bụng kinh có thể rất nghiêm trọng và khiến bạn phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Bạn sẽ chỉ cảm nhận được cơn đau ở một bên, có thể ở bên trái hoặc bên phải. Nhiều trường hợp tháng này bạn đau hạ sườn trái nhưng vào tháng tiếp theo khi buồng trứng còn lại sản xuất trứng thì bạn lại bị đau bên phải.
Viêm vùng chậu: Viêm vùng chậu còn gọi là viêm đường sinh dục trên, xảy ra khi cơ quan sinh sản của phụ nữ bị nhiễm trùng. Đau thường là cơn đau bụng dưới ở cả hai bên nhưng có thể chỉ đau hạ sườn trái. Các triệu chứng khác đi kèm như sốt, ớn lạnh, âm đạo tiết dịch bất thường kèm theo mùi hôi, đau nhiều hơn hoặc bị chảy máu khi quan hệ tình dục, chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt và cảm thấy nóng rát khi đi tiểu.
Các vấn đề nam khoa
Ở nam giới, bất kỳ cơn đau nào đến từ bên trái của tinh hoàn có thể gây đau hạ sườn trái:
Xoắn tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn là khi tinh hoàn xoắn lại ở đoạn cuối của dây thừng tinh. Xoắn tinh hoàn khiến vùng tinh hoàn bị đau dữ dội và dẫn đến cơn đau hạ sườn trái. Bệnh thường ảnh hưởng đến nam thiếu niên trên 25 tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người đàn ông nào ở mọi độ tuổi.
Viêm tinh hoàn: Viêm tinh hoàn là tình trạng viêm tinh hoàn hoặc các ống bao quanh nó (mào tinh hoàn). Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng. Bên tinh hoàn bị ảnh hưởng sẽ sưng lên, rất đỏ và mềm. Nếu tinh hoàn trái bị viêm, bạn sẽ cảm thấy đau tức hạ sườn bên trái.
Đau hạ sườn trái- Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị đau hạ sườn trái mà không thể di chuyển hay cử động cơ thể hoặc nếu bạn không thể ngồi yên được hay có được tư thế thoải mái.
Bình luận