Dầu gió có vị cay, dùng để hạ sốt, ra mồ hôi, giảm ho, chống xung huyết. Thành phần chủ yếu của dầu gió là tinh dầu bạc hà kết hợp với một số tinh dầu từ các nguồn nguyên liệu khác như thiên niên kiện, hương nhu, quế, đinh hương… Nhờ các tinh dầu này mà dầu gió có tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau.
Dầu gió có thể được dùng bôi ngoài da để trị cảm cúm, nhức đầu, lạnh chân tay do mưa ẩm, bị côn trùng cắn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nhiều và sử dụng không đúng cách sẽ gây hại đến sức khoẻ.
Gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Thành phần menthol trong dầu gió có thể gây hại, thậm chí có trường hợp trẻ nhỏ tử vong khi chỉ nhỏ 1 giọt dầu có hàm lượng menthol 1%. Vì menthol có đặc tính là ức chế hô hấp, hệ tuần hoàn nên dễ ức chế với trẻ nhỏ, nặng có thể tử vong. Vì vậy, trẻ em dưới 24 tháng không nên dùng dầu gió.
Gây xung huyết da
Methyl salicylat có trong dầu gió giúp vùng da được xoa dầu nóng lên nhanh, làm giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, làm giảm nhanh cơn đau và cứng cơ.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của methyl salicylat là gây xung huyết da. Nếu hít dầu thường xuyên có thể gây rách màng nhầy ở mũi, họng, gây tổn thương hệ hô hấp.
Gây ngộ độc
Trong thành phần của dầu gió còn có chứa camphor là một chất độc đối với trẻ em. Tùy vào lượng dầu nhiều hay ít, khi bị ngộ độc, camphor có thể gây tác hại với những triệu chứng xuất hiện chỉ trong vòng 5 - 90 phút sau tiếp xúc.
Biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
Cách dùng dầu gió an toàn
Dầu gió chỉ hiệu quả khi sử dụng đúng cách. Cần đọc kỹ các thông tin hướng dẫn sử dụng kèm theo bao bì.
- Dùng dầu gió bôi thoa ngoài da là chính để chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau.
- Chỉ dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống.
- Không dùng dầu gió hơn bốn lần/ngày.
Video: Cách phân biệt cam, hồng giòn, dưa lưới Việt Nam và Trung Quốc.
Bình luận