(VTC News) - Thế nhưng, giờ đây, trước mắt chúng tôi, cả đại ngàn pơ-mu đã hoang tàn như bị ngàn vạn quả bom dội xuống. Tôi đi miên man trên sườn những ngọn núi đá, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn thấy cây pơ-mu khổng lồ nào nữa.
"Đại ngàn báu vật" biến thành xưởng xẻ gỗ khổng lồ. |
Hai cánh rừng pơ-mu khổng lồ, với những thân pơ-mu đại thụ ngàn năm tuổi đều nằm trong lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Một cánh rừng nằm ở phía trái Trạm Tôn, cứ vạch rừng cuốc bộ một ngày thì đến. Một khu rừng bạt ngàn pơ-mu kéo dài trên một dải núi khổng lồ từ bản Tả Trung Hồ, cắt qua Dền Thàng đến Séo Mý Tỷ, là những bản của người H’Mông nằm trong lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm xuất phát từ Quốc lộ 4D, phía Trạm Tôn, rồi cứ vạch rừng mà đi. Con đường mòn chỉ đủ bước chân người, được tạo nên bởi ngàn vạn bước chân lâm tặc đi qua. Con đường này xuyên qua đại ngàn pơ-mu vòng xuống phía San Sả Hồ và Lao Chải.
Sau một ngày cuốc bộ cật lực, đến độ cao 2.200m, chúng tôi đến nơi mà theo ông Lâm, vài năm trước, nó vẫn là một cánh rừng không có dấu chân người, chỉ có những thân pơ-mu sừng sững hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi.
Tác giả và một cây pơ-mu ngàn tuổi trong Hoàng Liên Sơn khi chưa bị lâm tặc "làm thịt" và chưa bị ngọn lửa thiêu rụi. |
Thế nhưng, giờ đây, trước mắt chúng tôi, cả đại ngàn pơ-mu đã hoang tàn như bị ngàn vạn quả bom dội xuống. Tôi đi miên man trên sườn những ngọn núi đá, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn thấy cây pơ-mu khổng lồ nào nữa.
Đi mãi, đi mãi, trước mắt chỉ là những gốc pơ-mu trơ trọi trên đá rêu phong. Có gốc đã ngả màu đất, có gốc vẫn vàng óng tỏa hương. Thi thoảng mới gặp một vài thân cây cỡ hơn một người ôm. Nhưng những thân cây đó đã bị lâm tặc dùng rìu bổ nham nhở, bóc sạch lớp vỏ để chúng nhanh chết, mau khô, vác cho nhẹ.
Cánh rừng pơ-mu khổng lồ, rộng dễ đến ngàn ha, phải đi cả ngày mới xuyên qua được đã biến mất chỉ trong vài năm trời. Sự tàn phá của con người quả là khủng khiếp.
Lâm tặc dựng lán trong rừng. |
Hạ cây. |
Xẻ gỗ. |
Đêm trăng giữa đại ngàn, tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm dựng lều chui vào túi ngủ. Cả ngày cuốc bộ mệt nhọc, song tôi và ông Lâm cứ trằn trọc không ngủ được. Thi thoảng, trong những lời ông nói về đại ngàn pơ-mu, phải mất cả triệu năm hình thành mới có được, về sự vô tâm của con người, tôi thấy cả những tiếng nghẹn ngào.
Từ cánh rừng pơ-mu đã biến mất bởi lâm tặc, chúng tôi cắt núi trèo lên độ cao 2.800m ở sườn tây đỉnh Fansipan. Ở độ cao này có cánh rừng nhỏ với vài trăm thân cây vân sam khổng lồ. Đây là loài cây đặc hữu của Hoàng Liên Sơn. Thân cây nào cũng lớn vài người ôm, cao 50-60m, tán phủ kín một góc núi.
Những cây họ thông khổng lồ này đã sừng sững cả ngàn năm trên đỉnh núi, và theo ông Lâm thì cả trăm năm nay chúng không có sự tái sinh nào cả, vì rõ ràng, chẳng có cây vân sam nào cỡ một hai người ôm.
Khắp đại ngàn pơ-mu chỉ còn lại những gốc cây. |
Thậm chí cây pơ-mu nhỏ cũng bị tróc vỏ cho chết khô. |
Dưới gốc những thân vân sam khổng lồ là đại ngàn trúc ken dày. Có lẽ, loài trúc mọc như cỏ dại này đã chiếm hết không gian của vân sam, nên chúng không thể tái sinh được nữa. Ông Lâm đã dành nhiều ngày trời phát quang trúc ở hàng loạt gốc những cây vân sam, hy vọng khi hạt chúng rơi xuống sẽ nảy mầm, song mấy năm nay, vẫn chẳng thấy có cây vân sam nhỏ nào nhú lên.
Từ độ cao 2.800m của rừng vân sam, ông Lâm chỉ tay qua những rông núi thấp về phía những ngọn núi xa xa ẩn hiện trong mây mù và bảo đó là đại ngàn pơ-mu lớn nhất Việt Nam còn sót lại khá nguyên vẹn.
Tiếp tục cắt núi xuyên rừng một ngày nữa thì chúng tôi đến bản Séo Mý Tỷ, một bản người H’Mông nằm giữa đại ngàn. Bản người H’Mông này có lẽ nằm ở nơi cao nhất của Việt Nam, tới gần 2.000m so với mặt nước biển.
Rừng cháy phát lộ những thân pơ-mu bị đốn hạ. |
Những ngôi nhà, bếp, thậm chí chuồng trâu, chuồng bò, chuồng gà của người H’Mông đều được làm bằng một loài gỗ duy nhất, đó là pơ-mu. Mái nhà, mái chuồng lợn cũng được lợp bằng những tấm gỗ pơ-mu lên màu đen bóng.
Ông Trần Ngọc Lâm chỉ tay lên ngọn núi phía bên kia dòng suối Séo Mý Tỷ bảo: “Bắt đầu từ chân ngọn núi này là đại ngàn pơ-mu rồi. Cánh rừng pơ-mu kéo dài 2 ngày đi bộ, xuyên từ Séo Mý Tỷ qua bản Dền Thàng của người H’Mông, cũng là một bản nằm trong lõi Vườn Quốc gia, đến tận bản Tả Trung Hồ của xã Bản Hồ”.
Những ngày cuối năm 2009, tôi và ông Trần Ngọc Lâm rời bản Séo Mý Tỷ, vượt qua con suối cạn nước lên ngọn núi mà đồng bào H’Mông nơi đây gọi là Môn Cai Khô. Rừng vẫn bạt ngàn, nhưng không còn giữ được vẻ hoang vu nữa.
Từ chân núi, nơi mà theo luật quản lý rừng là cấm ra vào, đã xuất hiện những lối mòn. Trên những con đường mòn ấy, đã có những vết hằn sâu do kéo gỗ mà thành. Ông Lâm than trời: “Bọn lâm tặc khai thác hết rừng pơ-mu ở phía Trạm Tôn, nên chúng kéo đến đây rồi cháu ơi!”.
Cháy rừng mới lộ ra mặt... lâm tặc! |
Sở dĩ, hàng trăm năm nay, đại ngàn pơ-mu này không bị xâm phạm là vì con đường từ xã Tả Van vào bản Séo Mý Tỷ dài tới 20km và chỉ có cách duy nhất để ra vào là cuốc bộ leo dốc. Chỉ có vài chục hộ trong bản lấy gỗ làm nhà, nên rừng bị khai thác không đáng kể gì.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, người ta đã mở đường vào bản để làm thủy điện Séo Chong Hô. Ôtô, xe máy đều vào được Séo Mý Tỷ, vào tận lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên, đến tận chân núi Môn Cai Khô, nơi bắt đầu của đại ngàn pơ-mu khổng lồ. Chính vì thế, đại ngàn pơ-mu nằm im lặng cả triệu năm nay đã bắt đầu bị xâm phạm.
Tôi và ông Trần Ngọc Lâm đã cuốc bộ suốt 3 tiếng đồng hồ, từ chân núi Môn Cai Khô, lên tận đỉnh núi, và điều làm ông Lâm kinh ngạc, là chẳng còn thấy thân pơ-mu khổng lồ nào nữa. Chỉ còn những gốc pơ-mu trơ trọi, to 2-3 người ôm.
Dọc sườn núi, mọc lên một số lều bạt. Những xưởng xẻ gỗ xuất hiện dày đặc trong rừng già. Những súc gỗ đẹp đã được chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn lại những đoạn cong vênh vứt chồng đống.
Ông Lâm chỉ tay vào những hang hốc đen xì muội than và bảo đó là những lò đốt than hoa giữa rừng. Sau khi lâm tặc mở đường vào đại ngàn xẻ gỗ, đồng bào trong bản cũng kéo vào đốt gỗ bỏ đi để lấy than hoa đem bán. Rồi những vườn thảo quả đã xuất hiện nhiều hơn dưới những tán rừng.
Ông Lâm bảo: “Việc đốt rừng làm nương, đốt gỗ lấy than chính là nguyên nhân của hàng chục vụ cháy rừng hàng năm. Tuy nhiên, phần lớn các vụ cháy rừng là nhỏ, mà trên núi cao ngày nào cũng có mưa, nên ông trời kịp dập tắt. Thế nhưng, năm nay thời tiết bất thường, khí hậu hanh khô, mà cứ đốt nương, đốt gỗ lấy than thế này, nếu cháy rừng thì sẽ là thảm họa”.
Vượt qua đỉnh Môn Cai Khô, thì đại ngàn pơ-mu vẫn còn vẹn nguyên với những thân pơ-mu hùng dũng kiêu hãnh giữa trời. “Kho báu” của thiên nhiên vẫn còn hiện diện đầy đủ và vẹn nguyên nhất. Đây đó, tiếng vượn hót, tiếng chim ca vọng lại rộn ràng.
Thật đau buồn, khi những lời cảnh báo của “người rừng” Trần Ngọc Lâm lạc vào đá núi, thì thảm họa cháy rừng đã xảy ra, thiêu trụi sạch sẽ đại ngàn pơ-mu khổng lồ có từ hàng triệu năm trước.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
Buồn và bất lực.
[email protected]. Hà Nội
Quá thất vọng các bạn ạ, có những chuyện ngày mai có thể nhìn thấy hậu quả, có những việc tháng sau, năm sau nhìn thấy hậu quả, có những việc gây hậu quả cho muôn đời sau. Có lẽ hậu quả nó xa quá nên các cơ quan chức năng chưa quan tâm đầu tư được nhiều chăng?????
Hãy quan tâm
Trần Anh Nguyên. An Giang. [email protected]
Mong các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn về việc bảo vệ rừng, để Việt Nam còn giữ được những báu vật ngàn năm, những cánh rừng pơ-mu vĩ đại đã có từ hàng triệu năm trước.
Hãy cứu lấy rừng
Xuân Hải. Ba Đình, Hà Nội
Các cấp lãnh đạo hãy cứu lấy rừng trước khi quá muộn. Cám ơn quý báo đã đưa tin.
Bình luận