Từ lâu đậu đen đã là thực phẩm quen thuộc của người Việt Nam. Đậu đen mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe. Tuy nhiên một số nhóm người được khuyến cáo là không nên ăn đậu đen. Dưới đây là tác dụng của đậu đen với sức khỏe và những người được khuyến cáo không nên ăn đậu đen.
Tác dụng của đậu đen với sức khỏe
Báo Dân trí dẫn nguồn tờ Medical News Today cho biết, đậu đen được mệnh danh là "vua của các loại đậu" giúp ngừa ung thư.
Đậu đen chứa nhiều protein. Chúng có thể được chế biến thành nhiều món ăn. Đậu đen có nhiều carbohydrate nhưng chúng ở dạng tinh bột và chất xơ nên được tiêu hóa chậm và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Dân trí dẫn nguồn Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết, đậu đen rất giàu carbohydrate và chúng cũng là nguồn chất xơ tuyệt vời (4g chất xơ/100g) (gồm chất xơ hòa tan và không hòa tan). Đậu đen rất ít chất béo và hầu hết chất béo là chất béo không bão hòa nhiều nối đôi. Một nửa chén đậu đen có 90mg axit béo omega-3 và 108mg axit béo omega-6.
Đậu đen là nguồn cung cấp protein, với 7g protein trong một khẩu phần nửa chén. Ngoài ra, đậu đen còn chứa nhiều folate, vitamin B1, mangan và magie. Trong 100g đậu đen có 6,1mg sắt. Khuyến nghị của "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ, 2020-2025" nên ăn 3 chén đậu đỗ (740g) mỗi tuần.
Việc tiêu thụ đậu đen đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Đậu đen được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư do chất flavonoid trong vỏ hạt của chúng. 8 loại flavonoid khác nhau được tìm thấy trong vỏ hạt, và 3 trong số đó là anthocyanin. Flavonoid về cơ bản là các sắc tố dinh dưỡng thực vật tạo màu, chức năng như chất chống oxy hóa trong cơ thể để chống lại bệnh tật và các gốc tự do.
Rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng nước đậu đen
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, các loại đậu đặc biệt là đậu đen chứa oligosaccharides được gọi là galactans. Đây là loại đường phức tạp mà cơ thể không thể tiêu hóa được vì nó thiếu enzym cần thiết - alpha-galactosidase. Do đó, ăn các loại đậu, bao gồm cả đậu đen, được biết là có thể khiến một số người bị đầy hơi và khó chịu ở ruột.
Nếu bạn gặp những triệu chứng này liên quan đến việc ăn các loại đậu, bạn có thể cân nhắc từ từ đưa chúng vào chế độ ăn uống của mình. Một lựa chọn khác là ngâm đậu lâu hơn, chọn đậu đã nảy mầm hoặc xả nước dùng để ngâm đậu khô. Thực hiện hành động này giúp loại bỏ hai oligosaccharide, raffinose và stachyose, đồng thời loại bỏ một số vấn đề về tiêu hóa.
Ai không nên ăn đậu đen?
Đậu đen tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể dùng được thực phẩm này. Dưới đây là những nhóm người được khuyên nên hạn chế hoặc không ăn đậu đen.
Thứ nhất,người bị bệnh thận: Báo Vietnamnet dẫn nguồn bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học Cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, nước đậu đen tác dụng lợi tiểu, do đó người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng.
Thứ hai, người đang uống thuốc có khoáng chất. Trong nước đậu đen chứa Phytat làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho.
Vì vậy, bạn không nên dùng nước đậu đen để uống các loại thuốc có chứa sắt, kẽm, can, đồng, canxi hoặc sử dụng thực phẩm có chứa các chất này… dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Tốt nhất, thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 giờ.
Thứ ba, người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Nếu bạn muốn uống thì phải rang lên và dùng với số lượng ít.
Thứ tư, trẻ nhỏ và người già, do hàm lượng protein trong đậu đen rất cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen, dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.
Trên đây là những thông tin tổng quan về đậu đen cũng như những người không nên ăn đậu đen. Nếu bạn thuộc nhóm người trên hãy tránh xa đậu đen nhé.
Bình luận