• Zalo

Dấu chân Nguyễn Quang Sáng để lại, bao nhiêu là tiếc nuối

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 15/02/2014 11:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hôm nay, nhà văn của hồn người, hồn đất Nguyễn Quang Sáng về với đất mẹ, nhìn dấu chân ông để lại, bao nhiêu là tiếc nuối...

Dấu chân Nguyễn Quang Sáng để lại, bao nhiêu là tiếc nuối
Hôm nay, nhà văn Nguyễn Quang Sáng về với đất mẹ. Nhà văn của hồn đất, hồn người sẽ gặp lại người bạn tri kỉ Trịnh Công Sơn, cùng nhau nghêu ngao hát Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi… như cái thuở đệm đàn cho nhau trong một quán café nhỏ, giản dị mà rất tình.

Ngoài kia, thời gian vẫn qua đi và bốn mùa luôn luân chuyển, con người chỉ xuất hiện một lần rồi ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng, cát bụi rồi lại về với cát bụi.

Nguyễn Quang Sáng cũng đi qua cuộc đời ấy, như biết bao con người và số phận, nhưng nhìn dấu chân ông để lại, bao nhiêu là tiếc nuối. Những Chiếc lược ngà, Cánh đồng hoang, Đất lửa... vẫn tươi mới như mới hôm qua, khi ông còn khoác bộ quân phục xanh màu lá tuổi vừa đôi mươi, giữa bom rơi đạn nổ vẫn lấp lánh những nụ cười.

Giữa cái ác liệt của chiến tranh, của mất mát, hy sinh, mẹ đợi con, vợ đợi chồng trong biệt ly không hẹn ngày về, Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa nên những hình tượng nhân văn cao cả, về tình cha con thiêng liêng, về sự sống bất diệt giữa bốn bề cái chết bủa vây.

 Đọc những trang văn rất đỗi giản dị ấy, người ta thấy hiện lên hình ảnh một dân tộc kiên cường và anh dũng, người ta hiểu vì sao dải đất hình chữ S nhỏ bé đi qua những nắng mưa rộng dài của lịch sử vẫn hiên ngang tư thế ngẩng cao đầu.
Dấu chân Nguyễn Quang Sáng để lại, bao nhiêu là tiếc nuối
Nguyễn Quang Sáng cũng như những nhà văn, nhà thơ, chiến sỹ trong thời đại ấy, gặp nhau trên cùng một ước mơ làm nhiều cho Tổ quốc, và có mặt trên những trận tuyến ác liệt nhất, khi đất nước đánh thù.
 Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đi qua cả hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, ông để lại cho nền văn học nước nhà một gia tài đồ sộ, với hàng loạt những tác phẩm được liệt vào hàng kinh điển trong thế kỷ 20: Con chim vàng (1978), Người quê hương (truyện ngắn, 1968), Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1961), Đất lửa (tiểu thuyết, 1963), Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966), Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975), Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990), Con mèo của Foujita (truyện ngắn - 1991), Nhà văn về làng (truyện ngắn, 2008)...

Ông còn để lại những kịch bản phim xuất sắc: Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988), Thời thơ ấu (1995), Giữa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995).

Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến hai tác phẩm đỉnh cao: truyện ngắn Chiếc lược ngà và kịch bản phim Cánh đồng hoang.

Nhắc đến Nguyễn Quang Sáng là biết bao người rưng rưng xúc động khi nhớ về tình cha con thiêng liêng trong Chiếc lược ngà, được viết vào năm 1966.

Từ câu chuyện có thật của cô giao liên kiên trung trên vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng, Nguyễn Quang Sáng đã viết nên câu chuyện xúc động và nhân văn giữa cái khốc liệt của chiến tranh.

Chiếc lược ngà là một câu chuyện cảm động giữa ông Sáu và bé Thu. Ông Sáu đi kháng chiến, khi có dịp trở về thăm nhà thì con gái ông đã lên tám tuổi.

Xuồng chưa đỗ lại nhưng khi mới nhìn thấy con gái, ông Sáu đã ‘nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra’ rồi ‘bước vội vàng những bước dài’ và gọi to tên con gái.

Ông mường tượng trong đầu cảnh đứa con gái bé nhỏ sẽ mừng rỡ ‘chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh’ để rồi ‘anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con’.

Nhưng có ngờ đâu cô con gái bé nhỏ khi nghe ông gọi lại ngơ ngác, lạ lùng, giật mình hoảng sợ rồi với gương mặt tái đi, nó vụt chạy và thét lên cầu cứu má.

Bé Thu không nhận ông là cha vì vết sẹo dài trên má khiến khuôn mặt ông không còn giống như trong bức ảnh chụp chung với má mà bé Thu đã biết.

Rồi những ngày ở nhà, ông Sáu tha thiết muốn nghe một tiếng gọi ba từ chính cô con gái bé nhỏ nhưng sao khó quá. Ông muốn chăm sóc, yêu thương, vỗ về bé nhưng ông chỉ nhận lại một thái độ cự tuyệt, ngang bướng đến không ngờ.

Chỉ đến những giây phút cuối cùng lúc chia tay, ông mới được hưởng hạnh phúc làm cha khi bé Thu bất ngờ gọi to ông Sáu một tiếng ‘ba’ như xé toạc bầu không khí.

Tiếc rằng, phút giây hạnh phúc ngắn ngủi, vì nhiệm vụ ông lại phải từ biệt đứa con gái yêu dấu của mình để lên đường.

Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con nhưng cuối cùng, ông hy sinh trong một trận càn của địch khi chưa kịp gặp cô con gái thêm một lần nữa.

Giữa cái ác liệt, mất mát, hy sinh của chiến tranh, câu chuyện như một khúc ca đẹp về tình cha con thiêng liêng.
Dấu chân Nguyễn Quang Sáng để lại, bao nhiêu là tiếc nuối

Nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, không thể không nhắc tới kịch bản phim Cánh đồng hoang – Tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.

Từ một câu chuyện rất đỗi dung dị về cuộc sống của vợ chồng Ba Đô và cậu con trai nhỏ giữa cánh đồng trũng nước mênh mông, tác giả đã lột tả được tội ác của đế quốc Mỹ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tác phẩm cũng là khúc tráng ca về tình cảm gia đình, tình cha con, tình vợ chồng sâu sắc và thắm thiết.

Hai vợ chồng ngày ngày đi trồng lúa, bắt trăn, bắt cá, làm nhiệm vụ liên lạc đưa cán bộ cách mạng hành quân qua cánh đồng, tối về chăm sóc đứa con nhỏ trong một chiếc chòi nhỏ giữa cánh đồng chỉ thấy cây dại mọc cao quá đầu người.
Nhưng cuộc sống của gia đình bé nhỏ không còn yên bình khi hàng ngày lính Mỹ liên tục dùng trực thăng quần nát cánh đồng để tìm diệt du kích.

Rồi người chồng hy sinh khi trực thăng Mỹ nã đạn điên cuồng xuống cánh đồng, người vợ bắn cháy chiếc trực thăng và tiếp tục tham gia kháng chiến để trả thù cho gia đình.

Vẻn vẹn trong khoảng không gian cánh đồng hoang, xuyên suốt bộ phim là sự giằng co chiến đấu, giữa một bên là gia đình nhỏ bé nhưng đầm ấm của Ba Đô, với cảnh vợ chồng âu yếm nhau và tiếng cười của đứa con với một bên là cảnh gầm rú và bắn phá khốc liệt của máy bay được trang bị đầy súng đạn.

Những hình ảnh đối nghịch không cân xứng ấy, đã viết nên huyền thoại về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của cả dân tộc trong thế kỷ 20.

Bình luận
vtcnews.vn