Anh Hào (38 tuổi, Hà Nội) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng cẳng chân trái căng bóng và đau dữ dội. Khi vận động co duỗi các ngón chân và cổ chân, cơn đau tăng. Trước đó vào buổi sáng, anh gắng sức đuổi theo xe buýt cho kịp chuyến đi, cường độ vận động mạnh trong thời gian ngắn khiến cơ cẳng chân hoạt động quá sức. Áp lực tăng đột ngột gây tổn thương làm phù nề cơ khiến khoang bị chèn ép.
ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp (khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, đây là một hội chứng tổn thương khá hiếm gặp có tên là chèn ép khoang lô cơ trước sau vận động gắng sức.
Xét nghiệm cho thấy men cơ (Creatine-kinase) tăng cao, cho thấy bệnh nhân có tình trạng hoại tử cơ. Bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân nhằm giảm áp lực khoang. Các nhóm cơ bị hoại tử được loại bỏ tránh nhiễm trùng. Nhóm cơ còn khả năng phục hồi được giữ lại để bảo tồn.
Bác sĩ Tiệp giải thích: “Nếu không phản ứng nhanh men cơ sẽ tiếp tục tăng lên nhanh đào thải vào máu, hấp thu vào tuần hoàn chung. Điều này gây suy thận cấp và hoại tử thận, suy đa tạng, thậm chí có thể tử vong. Có trường hợp chèn ép khoang gây hoại tử diện rộng phải cắt cụt chi bị tổn thương để cứu tính mạng bệnh nhân”.
Hiện anh Hào trong giai đoạn phục hồi cấu trúc cơ, để phục hồi nguyên vẹn có thể mất 3-6 tháng (tùy thuộc vào thời gian can thiệp sớm hay muộn). Bệnh nhân bị cắt một phần cơ nên cơ yếu hơn bình thường, sau thời gian tập vật lý trị liệu tốt có thể chơi thể thao hoặc vận động cường độ cao trở lại.
Theo bác sĩ Tiệp, chèn ép khoang cấp là một cấp cứu của chuyên khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, thường gặp sau gãy xương hoặc chấn thương đụng giập phần mềm nhiều. Hội chứng khoang là hiện tượng tăng áp lực mô mềm trong khoang kín, dẫn đến thiếu máu mô. Triệu chứng sớm nhất biểu hiện là tê bì hoặc như kiến bò ở bên dưới hoặc tại vùng bị thiếu máu do chèn ép.
Tình trạng này khá hiếm gặp với vận động viên thể thao khi vận động quá sức trong thời gian ngắn. Các vận động viên có thể bị hội chứng chèn ép khoang mạn tính do quá trình luyện tập lâu dài. Tuy nhiên khi bị chèn ép khoang mạn tính, mức độ đau cơ là vừa phải và hết sau khi nghỉ ngơi.
Chèn ép khoang cũng không loại trừ với những trường hợp có hoạt động gắng sức trong đời sống thường ngày. Trường hợp của bệnh nhân Hào là gắng sức trong việc chạy đuổi theo xe buýt, trường hợp khác có thể chỉ là cố gắng nâng tạ nhiều lần trong thời gian ngắn gây chèn ép khoang ở tay. Trẻ em hiếu động, chạy nhảy nhiều mà kêu đau cẳng chân kéo dài cũng có thể là do chèn ép khoang…
Bác sĩ Tiệp khuyến cáo mọi người không nên có hoạt động quá gắng sức đột ngột. Nếu gặp tình trạng đau sau khi vận động gắng sức, nghỉ ngơi và dùng thuốc không đỡ, bạn cần nghĩ đến hiện tượng chèn ép khoang. Người bệnh nên đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sớm nhất có thể và không nên chủ quan bỏ qua thời điểm vàng can thiệp hiệu quả.
Bình luận