• Zalo

Đặt túi ngực được tư vấn ‘bảo hành vĩnh viễn’, 14 năm sau vỡ không triệu chứng

Tin tứcThứ Hai, 22/04/2024 23:23:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau thăm khám tổng quát, người phụ nữ ngỡ ngàng vì phát hiện túi ngực đặt trước đó 14 năm bị vỡ nhưng không có dấu hiệu.

Ngày 22/4, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin, đơn vị mới tiếp nhận liên tiếp hai trường hợp vỡ túi ngực tới thăm khám. Đáng nói, các bệnh nhân không hay biết mình bị vỡ túi ngực.

Trường hợp đầu tiên là người phụ nữ 55 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân đặt túi ngực từ năm 2010. Mới đây, người này đến viện thăm khám tổng quát. Kết quả siêu âm cũng như chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực bên trái đã vỡ. Trước đó, chị chưa nhận thấy dấu hiệu bất thường nên không hay biết túi ngực vỡ từ trước.

Người phụ nữ rất bất ngờ bởi khi đặt túi ngực đã được tư vấn rằng “bảo hành túi vĩnh viễn”. Do đó, chị không nghĩ tới việc phải đi kiểm tra lại túi ngực hay thay túi, kể từ thời điểm nâng ngực tới nay.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 31 tuổi, quê Hà Nam. Chị mới đặt túi ngực cách đây 4 năm, đi khám do thấy vùng ngực trái căng tức, biến dạng so với bên phải.

Các kết quả siêu âm, chụp MRI ghi nhận túi ngực bên trái của bệnh nhân bị vỡ, vùng khoang ngực xung quanh túi ngực có nhiều dịch (dày khoảng 2cm).

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên thay túi ngực sau 10 năm và không nên để quá 15 năm. (Ảnh minh họa)

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên thay túi ngực sau 10 năm và không nên để quá 15 năm. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hai trường hợp trên đều được chỉ định phẫu thuật sớm để lấy túi ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết cũng như silicone gel thoát ra xung quanh, làm sạch khoang túi, đồng thời đặt túi ngực mới trở lại.

“Vỡ túi ngực nếu không được phát hiện và xử lý sớm, dịch tích tụ nhiều có thể dẫn tới các phản ứng viêm, nhiễm trùng lan rộng, gây biến dạng ngực, phải điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, khi ngực đã bị viêm nhiễm, nếu đặt túi độn lại sẽ tăng nguy cơ bị xơ dính, co bao”, bác sĩ Hoàng Hồng cho hay.

Theo bác sĩ, túi ngực có thể bị vỡ do nhiều nguyên nhân, như do vật sắc nhọn kim khâu, kim tiêm, dao kéo, như ngoại lực mạnh tác động từ bên ngoài khi túi ngực chất lượng đã kém. Túi vỡ còn có thể do chất lượng của nhà sản xuất túi ngực hoặc sau thời gian độn lâu dài chất lượng sẽ kém đi dễ bị rách túi.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên thay túi ngực sau 10 năm và không nên để quá 15 năm.

Bác sĩ Hoàng Hồng cho biết, đơn vị từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân vỡ túi ngực do phẫu thuật độn túi ngực đã quá lâu (trên 10 năm). Có thời điểm, trong một ngày, khoa tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân tới thăm khám vì rơi vào trường hợp tương tự.

Đa số bệnh nhân đều chia sẻ, khi đến các cơ sở thẩm mỹ xin tư vấn nâng ngực, hoặc sẽ được thuyết phục rằng “bảo hành trọn đời”, hoặc không được giải thích kỹ nên bệnh nhân chủ quan không nghĩ tới việc phải thăm khám lại hay thay túi ngực.

“Đây là điều rất đáng quan ngại, bởi không túi ngực nào có thể “bảo hành trọn đời, bảo hành vĩnh viễn”, chuyên gia này khẳng định.

Bác sĩ Hoàng Hồng khuyến cáo chị em phụ nữ khi đặt túi nâng ngực cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như sưng đau, căng tức, ngực biến dạng.

Trường hợp không phát hiện dấu hiệu bất thường, sau khoảng 7 - 8 năm chị em nên siêu âm, chụp chiếu để kiểm tra túi và nên thay túi sau 10 năm.

Bình luận